Destiny. Đoàn Hương |
Những năm qua, mỹ thuật đương đại trong hành trình sáng tạo, đi tìm “bản ngã” của các nghệ sỹ với khá nhiều trường phái và xu hướng: trừu tượng, vẽ, nặn, tạc... Đề tài tình dục, nude và sự ẩn ức của “cái tôi” cũng dày đặc.
Những quy chuẩn mặc định hàng bao nhiêu thế kỷ tồn tại các loại hình trong ngành mỹ thuật như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng... đã không còn “chuẩn” bởi những đột phá về vật liệu sáng tạo tác phẩm, kể cả những chất liệu vô hình như “không khí” hay rất siêu thực như “nước”...
Trong 5 năm từ 2009 - 2014, ngành MTVN đã có 181 triển lãm, trong đó có 45 triển lãm mỹ thuật khu vực và có 455 giải thưởng MTVN, khu vực; 599 tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập mỹ thuật của Hội MTVN từ năm 2010 - 2014...
Hàng trăm cuộc triển lãm cá nhân, nhóm, hay tập thể..., nhưng rồi triển lãm qua đi, tác phẩm gần như của ai về nhà đó. Hoặc chúng chỉ có thể xao động chút ít trong đời sống văn hóa nghệ thuật nếu có một scandal nào như “sao chép”, “đạo” hay một sự khác biệt mang tính “nổi loạn”, “phản biện” các chuẩn mực thẩm mỹ mặc định xưa nay… Và nếu hỏi xem trong suốt thời gian đó có tác phẩm nào ghim vào trí nhớ người yêu hội hoạ hay không, có ai tạo nên một trường phái nào đó thì không ai hay…
Thực tế, phần đa công chúng chỉ có thể hiểu nghệ thuật hiện thực, cổ điển hoặc gần như vậy nên thị trường tác phẩm mỹ thuật phần lớn lại là sao chép. Ngoại trừ trong giới, chỉ có rất ít trí thức ở các ngành nghề khác am hiểu các trường phái mỹ thuật như một thú chơi tao nhã, lịch lãm. Ngoài ra có một xu hướng “trưởng giả” của giới doanh nhân Việt, chơi chủ yếu là tác phẩm sao chép, phiên bản các tác phẩm mẫu đã nổi tiếng thế giới và trong nước, thậm chí có người chơi các tác phẩm hàng chợ, lưu niệm...
Thế nhưng, ngược lại với thị trường ảm đạm trong nước, có một nhóm hoạ sỹ đương đại tạo nên thương hiệu của chính mình không phải do các thầy nội định giá mà do các gallery ở nước ngoài hoặc tại các cuộc triển lãm tranh quốc tế. Giá trị của một bức tranh có thời điểm được tính với số tiền khiến người ta choáng váng. Và, hội họa nước ta như một cuộc chuyển mình trở dậy.
Một loạt tác giả như Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Quang Em, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Vũ Công Điền, Hoàng Đức Dũng, Doãn Hoàng Lâm… trở thành những cái tên “nóng” trong làng hội họa, mặc dù họ khá kín tiếng với truyền thông trong nước.
Hầu hết những hoạ sỹ này rất ít khi gửi tranh đến các gallery hoặc triển lãm trong nước vì họ đã định vị địa bàn bán tranh là thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, một vài năm lại đây, tranh của những hoạ sỹ này cũng bị rớt giá thê thảm.
Lý giải cho điều này, họ cho rằng cùng với suy thoái kinh tế và thị trường đã bão hoà là không ít tác giả đã nhân bản tranh cuả chính mình khiến những tác phẩm không còn độc bản. Bên cạnh đó, những gallery đầu nậu, thấy tranh của họa sĩ nào bán chạy mua về, thuê người chép y bức đấy hoặc nhái phong cách của họa sĩ ấy rồi tự ý đề tên họa sĩ vào. Tranh nhái, tranh chép làm cho thị trường tranh bị mất uy tín. Ngay cả tranh của danh họa lớn đi bán đấu giá ở nước ngoài cũng bị phát hiện ra là tranh nhái, tranh giả.
Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có những nhà nghiên cứu mỹ thuật tầm cỡ để định giá tranh mà giá tranh theo độ “nóng” của tác giả trong từng thời điểm. Ở nước ngoài, các bức tranh được kiểm định ngặt nghèo, có những nhà hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp định giá.
Ở Việt Nam, người ta chơi tranh do thích một bức tranh hay do yêu quý một tác giả, còn với các nước có đời sống hội họa phát triển thì tranh cũng được ví như một món hàng có giá trị. Người ta mua tranh để cất như giữ một tài sản quý, để đến lúc cần có thể bán đi bất cứ lúc nào và không sợ mất giá.
Thu vàng. Mai Hiên |
Tại tọa đàm “Bảo tàng mỹ thuật trong đời sống đương đại” mới đây, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương tỏ ra nản trước thực trạng buồn tẻ tại các bảo tàng và hiện tượng “chảy máu” nghệ thuật: “Là nghệ sĩ phải nghĩ đến bảo tàng. Gallery chỉ để sống, còn bảo tàng mới là chỗ lưu danh, nơi đảm bảo về mặt kỹ thuật chuyên môn và bảo quản tác phẩm ở mức tốt nhất trong phạm vi cho phép. Việc bày biện cũng ở mức cao cấp với cách tiếp cận khán giả phi lợi nhuận”.
Hoạ sỹ Bùi Hoài Mai cũng chia sẻ: “Bảo tàng phải là nơi ghi lại ký ức, dòng chảy lịch sử. Vậy mà đi một vòng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dân trong nghề như tôi cũng không hiểu nổi lịch sử mỹ thuật bắt đầu từ đâu, chỗ nào, có những giai đoạn nào. Cách trưng bày một tẹo Đông Sơn, một tẹo Lý - Trần - Lê sơ, mỹ thuật cổ điển - đương đại cũng một tẹo, dẫn tới đơn điệu, mất tính đa dạng của cuộc sống.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê cũng nhìn nhận những vấn đề trên tồn tại nhiều năm trên “cơ thể” MTVN đầy khiếm khuyết: “Việc thiếu bảo tàng mỹ thuật đương đại là khiếm khuyết lớn. Thiếu nơi trưng bày tác phẩm, các nghệ sĩ trẻ giống như cầu thủ không có sân đá bóng”.
Ở góc độ khác, họa sĩ Trần Lương, người có tác phẩm trưng bày tại vài bảo tàng lớn trên thế giới như Guggenheim (Mỹ), Nghệ thuật đương đại Kumamoto (Nhật Bản) chỉ ra: Muốn giải quyết các vấn đề đặt ra ở trên, cần đảm bảo sự độc lập trong lựa chọn tác phẩm.
“Các bảo tàng lớn trên thế giới đều không thuộc chính quyền. Chính quyền chỉ quản lý, còn điều hành là việc của tư nhân. Nếu tư nhân làm tốt, trở thành niềm tự hào của đất nước thì chính quyền sẽ ủng hộ ở mức 30% tổng ngân sách. Còn hoạt động không phù hợp, chính quyền không thể cấm song có thể dùng việc rút vốn đầu tư để hạn chế. Ở ta thiếu hẳn hình thức này nên bàn nát nước cũng chẳng thay đổi được gì”.
Họa sỹ Trần Lương hiện đứng ra kêu gọi hỗ trợ các dự án bảo tàng tư nhân và thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại. Theo anh, mỹ thuật hiện đại Việt Nam (giai đoạn thập niên 30, 40 đến hết những năm 90 thế kỷ trước) bị nhìn nhận không đúng, các bảo tàng lại không được cấp đủ ngân sách lưu trữ nên “chảy máu” thậm tệ.
Tới mỹ thuật đương đại (từ năm 2000 trở lại đây), tình trạng này tái diễn. Phần lớn tác phẩm vào diện tốt nhất Việt Nam bị giới sưu tập nước ngoài (tư nhân cũng như bảo tàng) mua sạch.
“Sẽ đến lúc người giàu Việt Nam đi mua lại tranh Việt. Sưu tầm lại chính văn hóa của nước mình là xu thế chung của thế giới, dù giá đắt đỏ. Có tác phẩm không bao giờ lấy lại được, đôi khi do cách ứng xử sai lầm với các nghệ sĩ (trước coi rẻ, sau thấy có giá trị mới kêu gọi cống hiến) tạo ra phản ứng bất hợp tác”- hoạ sỹ Trần Lương chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Đình Thành, Thạc sĩ Quản trị Văn hoá, Đại học Paris 9 (Pháp) thì ở Việt Nam chỉ cần có thêm bảo tàng nghệ thuật đương đại nữa thôi, dù đã quá muộn nhưng vẫn nên làm. Bảo tàng mỹ thuật cũng phải đổi mình, nên cho các nghệ sĩ trẻ thuê nhiều hơn, giá rẻ hơn.
Ở đó vừa là nơi vinh danh và lưu giữ những kí ức, kỉ niệm của nghệ sỹ với công chúng, như một dòng chảy bất tận chứ không phải là sự đứt quãng…