Ai chịu trách nhiệm vụ đưa tranh giả vào Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM?

(PLO) - Vụ rắc rối pháp lý quanh các bức tranh được cho là giả, kém chất lượng trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM tại buổi triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” vừa qua giới chuyên môn đặt ra câu hỏi, liệu có sự dễ dãi trong việc xét duyệt, đưa tranh vào triển lãm tại Bảo tàng, và ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự việc vừa xảy ra?
Những bức tranh trở về từ châu Âu.
Những bức tranh trở về từ châu Âu.

Vẫn chờ kết quả giám định cuối cùng

Ngày 10/7, cuộc triển lãm tranh “Những bức tranh từ châu Âu về” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Cuộc triển lãm đã thu hút giới chuyên môn và dư luận, với 17 bức tranh quý được cho là sáng tác của “bộ tứ huyền thoại” trong làng mỹ thuật Việt Nam là (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) cùng các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng khác như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ.

Chủ nhân của bức tranh là ông Vũ Xuân Chung, toàn bộ tranh được mua từ ông Jean François Hubert - một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong. Tuy nhiên, ngay sau khi triển lãm diễn ra, nhiều họa sĩ có tiếng tại Việt Nam đã bày tỏ nghi vấn về tính xác thực của các bức tranh, làm dấy lên nghi án tranh giả.

Sau một thời gian gây ồn ào, đồn đoán, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã có cuộc họp báo ra đưa ra thông cáo chính thức gửi báo chí, theo đó khẳng định những nghi vấn là có cơ sở. Sau khi thông qua ý kiến các các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật, kết luận đưa ra cho thấy, 15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện.

Ngoài ra, 2 bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc. Từ đó, tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đã được tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. 

Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết thêm, kết luận nói trên chỉ là động thái bước đầu. Hiện Bảo tàng đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý vụ việc. Các bức tranh sẽ được đưa đi giám định bởi cơ quan chuyên môn, thông qua các phương pháp giám định hiện đại để đưa ra kết quả cuối cùng. Từ kết quả đó, Bảo tàng sẽ có những hướng đi tiếp theo phù hợp.

Quy trình thẩm định tranh có vấn đề?

Vụ việc đã gây ra một tai tiếng đáng kể cho giới mỹ thuật, thậm chí, bên ngoài buổi họp đưa ra kết luận, đã suýt xảy ra xô xát giữa chủ nhân các bức tranh và họa sĩ được cho là có tranh bị mạo nhận. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, những năm gần đây, trong các bức tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng “hồi hương” sau thời gian lưu lạc, đã xuất hiện nhiều bức tranh nhái, giả, ngoài những bức đã bị phát hiện thì còn rất nhiều tranh đang trôi nổi trên thị trường, đó là thực trạng hết sức đau lòng. Từ vụ việc này, dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi quanh quy trình trước khi đưa ra triển lãm.

Trước đây, tranh được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật là một bảo chứng về chất lượng, giá trị, đối với họa sĩ, nhà sưu tập. Giờ đây, dưới cơ chế thị trường, phải chăng đã có sự dễ dãi trong việc thẩm định từ phía Bảo tàng khiến tranh giả, tranh kém chất lượng có cơ hội bước vào cuộc triển lãm một cách rình rang?

Trao đổi với PLVN về điều này, ông Trịnh Xuân Yên -  Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết, từ trước đến nay, để chấp thuận một cuộc triển lãm tranh tại Bảo tàng, các bức tranh trong triển lãm đều phải trải qua một quy trình khá chặt chẽ. Đầu tiên, đơn vị thực hiện triển lãm sẽ hoàn tất hồ sơ về các bức tranh trong triển lãm, theo đó, các bức tranh sẽ được chụp lại với cỡ ảnh 10x15 cùng với xuất xứ, tác giả… và nộp vào Bảo tàng. Sau đó, hồ sơ sẽ được một Hội đồng chuyên môn của Bảo tàng đánh giá chất lượng. Sau cuộc họp đánh giá này, nếu tranh được chấp thuận sẽ có biên bản đề xuất đến Sở VH,TT&DL cấp phép để tổ chức triển lãm. 

Trong vụ việc triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” lần này, ông Trịnh Xuân Yên khẳng định, Hội đồng chuyên môn đã xét duyệt theo đúng quy trình. Kèm theo đó, ông Vũ Xuân Chung, chủ nhân của bộ sưu tập cũng đã có bản cam kết trước khi diễn ra triển lãm, rằng tất cả số tranh trưng bày trong triển lãm là tranh thật và ông này sẵn sàng chịu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp hoặc các vấn đề pháp lý liên quan.

Đặc biệt, tính xác thực của mỗi bức tranh còn được xác nhận bởi chính ông Jean François Hubert chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong, điều này đã làm tăng tính tin cậy của hồ sơ, khiến Bảo tàng đủ căn cứ để chấp thuận cho cuộc triển lãm diễn ra. Tuy nhiên, thay mặt Bảo tàng Mỹ thuật, ông Yên cũng đưa ra lời xin lỗi với công chúng, vì đã sơ suất, thiếu thông tin dẫn đến sự việc nói trên.

Điều đáng nói là, tuy bước đầu đã có kết luận về sự giả mạo của các bức tranh nhưng ông Jean François Hubert vẫn tiếp tục khẳng định những xác nhận ban đầu của ông, đây là tranh thật. Theo thông tin từ nhiều nguồn, đây không phải là lần đầu ông Jean François Hubert dính vào một vụ tai tiếng xác nhận tranh giả.

Nhận định bước đầu, họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, có khả năng Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã bị lừa, nếu đây là sự thực, Bảo tàng có thể kiện người thuê không gian triển lãm. Nhiều họa sĩ khác thì cho rằng, vụ việc khá phức tạp, cần đến giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), đồng thời cần có sự vào cuộc xử lý sớm của Bộ VH,TT&DL. Như vậy, vẫn còn chờ đến kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền thì sự việc mới ngã ngũ, mới phân định rõ trách nhiệm thuộc về ai.

PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm