Trong hai ngày 12 và 13/1/2011, tại Trường Đại học Y tế công cộng đã diễn ra Hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu “Thực trạng quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Việt Nam”. Đây là một trong những nghiên cứu thuộc dự án “Nghiên cứu thực trạng quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc” (HESVIC) kéo dài trong 3 năm (2009 - 2012) do Chương trình khung số 7 của Ủy ban Châu Âu tài trợ.
Nghiên cứu này do Trường Đại học Y tế công cộng tiến hành nhằm tìm hiểu thực trạng thực hiện một số quy định liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ nhằm đưa ra các khuyến nghị, tăng cường khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có chất lượng.
Nghiên cứu lấy sức khỏe bà mẹ làm trường hợp nghiên cứu để đánh giá việc quản lý dịch vụ tại từng nước cũng như so sánh giữa 3 nước thuộc phạm vi nghiên cứu. Lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào cấp cứu sản khoa, chăm sóc trước sinh và khiếu nại tố cáo. Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành rà soát các quy định trong quy trình quản lý ở 3 nước, chú trọng tiếp cận công bằng đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Từ đó xác định những điểm còn thiếu hụt và đưa ra các khuyến nghị để có thể cải thiện việc xây dựng các quy định trong quy trình quản lý.
Hiện nay, hệ thống y tế tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong đó có Việt Nam đang dần thay đổi. Một trong các khía cạnh này là sự thay đổi mô hình quản lý của nhà nước về chăm sóc y tế: không chỉ tập trung vào hệ thống công mà đã bắt đầu chú trọng đến sự xuất hiện của y tế tư nhân. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Do đó, song song với sự tồn tại của hệ thống y tế công lập thì hệ thống y tế ngoài công lập ở nước ta cũng đã phát triển mạnh mẽ. Các yếu tố này đã tạo ra những thách thức mới cho các nhà chính sách khi xây dựng những quy định chung về quản lý hệ thống y tế và áp dụng đối với những nhóm đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, y tế tư nhân phát triển nhanh chóng cũng làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến điều hành, ban hành quy định cũng như tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ y tế có chất lượng. Những thay đổi này đã tạo ra những thách thức mới khi xây dựng những quy định chung về quản lý hệ thống y tế và áp dụng đối với những nhóm đối tượng cụ thể. Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015 là giảm 3/4 tỷ lệ tử vong mẹ vào năm 2015, tăng tỷ lệ ca đẻ có người đỡ có kỹ năng, giảm 25% tỷ lệ HIV mới... Đó cũng là mục tiêu dự án HESVIC lựa chọn sức khỏe bà mẹ để triển khai nghiên cứu tại 3 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: “Đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản là rất cần thiết. Bởi trên thế giới có từ 350.000 - 500.000 ca chết mẹ hàng năm, 8 triệu ca tai biến sản khoa/210 triệu phụ nữ có thai và 99% là ở các nước đang phát triển. Khó khăn và thách thức đặt ra trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em là sự khác biệt khá lớn về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng miền. Ở các khu vực miền núi, vùng dân tộc ít người, tỷ lệ tử vong mẹ thường cao hơn rất nhiều so với khu vực thành thị, vùng đồng bằng”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng sôi nổi đóng góp những ý kiến, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cũng như những thách thức để phát huy mạnh mẽ kết quả nghiên cứu đã đạt được. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý cho báo cáo nghiên cứu giai đoạn 1 và đưa ra những hướng nghiên cứu cho giai đoạn 2 của nghiên cứu này nhằm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, góp phần bình ổn và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Trên cơ sở đó, những kết quả nghiên cứu ở Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ góp phần tạo ra nền tảng cơ bản để phát triển về quản lý y tế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở các nước đang phát triển. Nó cũng sẽ là nguồn tham khảo và là cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý y tế, hỗ trợ các nhà quản lý trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Biên Thùy