Quản lý thuốc lá điện tử: Bao giờ mới ngã ngũ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với thuốc lá điếu nhập lậu, kinh doanh buôn bán từ 500 bao trở lên đã có thể bị truy tố hình sự. Nhưng với thuốc lá điện tử có mức độ tác động đến sức khỏe người tiêu dùng tương đương thuốc lá điếu, chế tài xử phạt cao nhất chỉ dừng ở phạt vi phạm hành chính.
Vụ thu giữ 15.000 sản phẩm thuốc lá điện tử mới nhất.
Vụ thu giữ 15.000 sản phẩm thuốc lá điện tử mới nhất.

Gia tăng buôn bán kinh doanh thuốc lá điện tử

Cuối tuần trước, hàng nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT) nhập lậu, trị giá hơn 1 tỷ đồng vừa được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội thu giữ. Toàn bộ số hàng bị kiểm tra chủ yếu là sản phẩm TLĐT Fizzy Max Pod Disposable 2.000 nhiều màu, tương ứng với các mùi hương khác nhau được đóng trong các thùng carton. Khảo sát sơ bộ trên thị trường, Fizzy Max Pod Disposable 2.000 được bán với giá từ 200-300 ngàn đồng/sản phẩm.

Ông Lê Việt Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 14 - đơn vị tiến hành kiểm tra thu giữ vụ việc cho biết, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan. Số lượng hàng hóa trên đều là hàng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đáng chú ý, chủ cơ sở không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, mà tự mở cửa hàng, kinh doanh.

Ngoài ra, Đội trưởng Đội QLTT số 14 cũng chia sẻ, TLĐT là các sản phẩm hàng hoá đang được nhiều cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo tác hại về sức khoẻ khi sử dụng. Nó có chứa nicotine thay thế vẫn gây nghiện và nhất là chất lượng tinh dầu tạo mùi không được kiểm soát, có thể đó là các hoá chất gây độc hại, ảnh hưởng hệ hô hấp, phế quản, phổi cho người sử dụng.

Số vụ cũng như số lượng TLĐT bị thu giữ đang gia tăng theo thời gian. Ngay đầu tháng 7, hàng nghìn sản phẩm TLĐT do Trung Quốc, Malaysia, Mỹ sản xuất cũng được lực lượng QLTT ở Bình Thuận thu giữ. Trước đó, vào tháng 6/2021, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra và thu giữ được hơn 30.000 sản phẩm TLĐT tại một địa điểm kinh doanh ở giữa Hà Nội…

Vẫn đang nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý

Tuy nhiên, dù là mặt hàng mang lại nhiều tác hại cho người tiêu dùng nhưng chế tài mới chỉ dừng lại ở các mức xử phạt… vi phạm hành chính (VPHC) (buôn bán mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa nhập lậu) do pháp luật của Việt Nam chưa có quy định về mặt hàng TLĐT.

Trong khi đó, theo Điều 25 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi 185/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên hồ sơ vụ việc này phải được chuyển ngay cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý VPHC.

TLĐT là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các Bộ, ngành để có thể làm căn cứ hoàn thiện văn bản pháp luật quản2

lý TLĐT tại Việt Nam. Sản phẩm này xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiện nay vẫn còn nhiều các quan điểm về mặt khoa học khác nhau về các sản phẩm này.

Trả lời Báo PLVN, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo quản lý TLĐT, cho biết, về cơ bản các Bộ nhất trí cho rằng cần có sự cần thiết nghiên cứu xây dựng để ban hành khung chính sách quản lý các loại hình TLĐT tại Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo Cục Công nghiệp, việc xây dựng chính sách quản lý TLĐT phải đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, căn cứ nhu cầu thực tế và phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm giúp công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được triển khai hiệu quả, đảm bảo lợi ích của các chủ thể liên quan và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan.

Bộ Công Thương xác định, xây dựng chính sách này phải thực hiện đồng bộ các mục tiêu “giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra”, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan gồm: Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá, nông dân trồng cây thuốc lá và phù hợp thông lệ quốc tế.