Sử dụng kinh phí phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội
Theo dự thảo Thông tư, nguồn tài chính cho công tác tổ chức lễ hội bao gồm: hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; trích từ nguồn thu công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (áp dụng đối với lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ tại di tích); các khoản thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của địa phương nơi tổ chức lễ hội; tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định; ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống (nếu có).
Về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí: đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, đơn vị được ban tổ chức lễ hội giao chủ trì tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm: mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận và gửi số tiền tạm thời nhàn rỗi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân cho tổ chức lễ hội.
Đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật. Kết thúc lễ hội, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải tổng kết việc thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; nội dung tổng kết này được thể hiện trong báo cáo kết quả tổ chức lễ hội gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018.
Định kỳ kiểm đếm tiền trong công đức, tiền đặt lễ
Đối với việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội: di tích và hoạt động lễ hội phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Khi tiếp nhận tiền mặt: phải mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn, tiền giọt dầu và những loại tiền tương tự (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với số tiền tạm thời nhàn rỗi gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân.
Khi tiếp nhận giấy tờ có giá: mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng, cho (nếu có).
Khi tiếp nhận kim khí quý, đá quý: mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng, cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá hoặc bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, bài trí, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng, cho (nếu có).
Liên quan đến di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng: tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được vận dụng quy định tại Điều 9 của Thông tư để thực hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng không có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật khác có liên quan; được vận dụng quy định tại Điều 14 Thông tư này để thực hiện.
Đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích; nguồn thu công đức, tài trợ tại di tích được sử dụng như sau: trích chi cho công tác tổ chức lễ hội: số tiền này được chuyển vào tài khoản của đơn vị được ban tổ chức lễ hội giao chủ trì tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Mức trích và hình thức chuyển tiền do Trưởng Ban tổ chức lễ hội và người đại diện theo pháp luật của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc tại di tích thỏa thuận thống nhất bằng văn bản.