Quản lý tốt đường biên giới - Nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng

(PLVN) - Với toàn tuyến biên giới đã được hoạch định xong và cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, đây là tiền đề để xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Baoquocte
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Baoquocte

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa Việt Nam với các nước trong công tác quản lý và phát triển đường biên giới?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Đường biên giới hòa bình, ổn định là cầu nối quan trọng và là nền tảng vững chắc cho việc duy trì, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, cũng như giao lưu và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa các quốc gia có chung đường biên giới.

Đến nay, Việt Nam đã hoạch định xong toàn tuyến biên giới đất liền dài gần 5.000km tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và cơ bản đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc (chỉ còn khoảng 16% đoạn biên giới giữa Việt Nam và Campuchia chưa được phân giới, cắm mốc). Đây là tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Phối hợp quản lý tốt biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của mỗi quốc gia. Ngay sau khi hoàn thành công tác hoạch định và phân giới cắm mốc trên thực địa, ta và các nước láng giềng đã ký kết các văn kiện pháp lý và thỏa thuận có liên quan về quản lý biên giới trên đất liền phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đồng thời xây dựng cơ chế song phương phối hợp quản lý biên giới.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và địa phương biên giới của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các quốc gia láng giềng trong quản lý biên giới, thể hiện ở các nội dung như triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý, không ngừng phát huy vai trò của các cơ chế chỉ đạo, quản lý biên giới song phương đã thiết lập; tổ chức thường xuyên các hoạt động phối hợp tuần tra biên giới, tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm qua biên giới, ngăn chặn di cư tự phát, xuất nhập cảnh trái phép, thúc đẩy giao lưu và hợp tác tại khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, nội dung phối hợp quản lý biên giới và thúc đẩy hợp tác tại khu vực biên giới luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương coi trọng và đưa vào chương trình nghị sự trong các chuyến thăm, làm việc với các nước láng giềng.

Với nỗ lực chung của Việt Nam và các nước láng giềng, tình hình biên giới trên đất liền được duy trì cơ bản ổn định, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, an ninh trật tự tại khu vực biên giới được bảo đảm, các vụ việc phát sinh được kịp thời phát hiện và xử lý cơ bản ổn thỏa; việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc 16% còn lại với Campuchia đang được tích cực thúc đẩy.

Giao lưu, hợp tác kinh tế - thương mại tại khu vực biên giới không ngừng được mở rộng, phát triển; công tác mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới được tích cực thúc đẩy. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ta đã triển khai hiệu quả các cơ chế phối hợp phòng chống dịch bệnh tại khu vực biên giới, thúc đẩy duy trì hoạt động xuất hàng hóa.

Những kết quả quan trọng này đã góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghĩ và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Còn sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh giáp biên… Liệu có điểm gì cần phải lưu ý hay thúc đẩy không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Đảng ta từng xác định, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm, công tác phối hợp của các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong quản lý biên giới được triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học trên tất cả lĩnh vực liên quan.

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác biên giới lãnh thổ, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ban, ngành, nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương biên giới thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý biên giới, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tại khu vực biên giới, góp phần quan trọng vào việc đạt được những kết quả tích cực như nêu ở trên.

Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục phối hợp làm tốt hơn nữa một số nội dung công việc sau:

Thứ nhất, triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ đã ký kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu chiến lược, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, hoàn thiện các cơ chế quản lý biên giới để phù hợp với tình hình mới. Thứ ba, từng bước hoàn thiện hơn nữa các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin trong việc xử lý, ứng phó với vấn đề phát sinh.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới.

Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về biên giới; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các văn kiện pháp lý, thỏa thuận song phương về công tác quản lý biên giới.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm