Quan niệm sòng phẳng giữa công nhân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá của một số chuyên gia, từ đầu năm 2024 đến nay, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Như trong lĩnh vực sản xuất, một số DN dệt may cho biết xuất khẩu quý I tăng trưởng 10 - 15% so với cùng kỳ, đơn đặt hàng đã có đến quý II và III, nhiều DN dần phục hồi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, một khó khăn phát sinh với một số DN, là tuyển dụng công nhân rất khó. Như một nhà máy ở Củ Chi (TP HCM), khi đơn hàng trở lại, cần thêm 1.500 công nhân. Thông tin tuyển dụng được đăng tải nhiều nơi nhưng không có ứng viên nộp hồ sơ. Cty thậm chí đến các địa phương, giới thiệu về Cty, mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, phụ cấp, các khoản hỗ trợ, cùng những chính sách như địa phương nào có đông lao động nhận việc, Cty sẽ tổ chức xe đưa đón, nếu đi riêng lẻ sẽ hỗ trợ tiền mặt; Cty cũng tìm sẵn nhà trọ cho công nhân mới... Thế nhưng gần 2 tháng qua, Cty này mới tuyển được 300 người.

Thống kê trên Cổng thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM cho thấy, trong tháng 5/2024, có gần 49.000 vị trí việc làm; nhưng chỉ hơn 8.500 người có nhu cầu tìm việc. Thời gian qua, Trung tâm tổ chức 21 sàn giao dịch việc làm để kết nối lao động với DN, một số phiên người tuyển dụng nhiều hơn người kiếm việc, dù một số Cty nới rộng độ tuổi lên 40 - 45.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay hơn 3.210 DN mở rộng sản xuất, có đơn hàng... muốn tuyển gần 41.000 người, trong đó công nhân, lao động phổ thông chiếm gần 87%, nhưng nhiều nhà máy chưa tìm đủ người theo nhu cầu. Tại Bình Dương, chỉ riêng tháng 5, các nhà máy có nhu cầu hơn 10.700 người, nhiều DN kéo dài thời gian nhận hồ sơ vì chưa đủ nguồn.

Phải chăng vì có ít người thất nghiệp, ít người cần việc, mới dẫn đến tình trạng trên? Sự thật có thể không phải như vậy, vì riêng tại TP HCM, thời gian qua, số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 60.000. Nghĩa là nhiều người chưa có việc làm ổn định, nhưng vẫn từ chối nhà máy. Một số lao động đã thay đổi quan niệm, như một người đàn ông cho rằng đã làm tại một xưởng gỗ 15 năm mà lương không tăng, DN hành xử theo kiểu “thích thì sa thải”, nên anh nghỉ việc, sau đó không muốn đi làm nhà máy nữa, không chấp nhận cuộc sống “ráo mồ hôi là hết tiền nữa”, mà làm công việc bưng bê thời vụ, chờ thời cơ tính tiếp.

Khác với trước đây, lao động phổ thông đã có nhiều lựa chọn công việc hơn như chạy xe công nghệ, giao hàng, dịch vụ với đặc điểm linh động về thời gian, cứ chăm là sẽ có tiền. Nhiều tỉnh giờ đã mở các khu công nghiệp, nhiều nhà máy mọc lên, nên một số lao động lựa chọn phương án ở quê vừa có nhà ở, vừa có việc làm, chi phí lại không đắt đỏ như TP. Và chứng kiến những cú sốc trong đợt dịch và hậu dịch Covid-19, một số lao động cảm thấy bám víu đô thị là chưa ổn, lại đặc biệt không hài lòng nếu bị bất ngờ sa thải khi Cty gặp khó khăn. Yếu tố này là một trong những điều khiến người lao động bức xúc nhất, vì có cảm giác bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Thực tế trên, mà điển hình là tâm sự của người đàn ông từng 15 năm làm xưởng gỗ, là điều mà bộ phận nhân sự của các DN cũng như những người làm chính sách cần lưu tâm. Dù trong bất cứ mối quan hệ nào, thì nhân văn và dựa vào nhau cũng là yếu tố phải có. Đừng vội vàng cắt giảm sa thải nhân sự lúc gặp khó khăn; mà hãy đồng cam cộng khổ, nỗ lực không bỏ rơi nhau, thực hiện trách nhiệm với nhau; là bài học cần luôn ghi nhớ.

Đọc thêm