Quán quân gameshows “sớm nở tối tàn”

(PLO) - Sự nở rộ của truyền hình thực tế tại Việt Nam kéo theo hàng loạt quán quân ra đời. Sau một đêm đăng quang, họ trở nên nổi tiếng với cát sê tăng vọt. Thế nhưng, có người thăng hoa nhưng có người lại bị hụt hơi và cuối cùng chìm nghỉm trong sự nổi tiếng ảo của mình.  
Quán quân bolero 2018- Duy Cường và HLV Ngọc Sơn.
Quán quân bolero 2018- Duy Cường và HLV Ngọc Sơn.

Đỉnh cao và vực sâu

Có lẽ Duy Cường là ca sĩ đầu tiên dám “liều” thực hiện liveshow “Tình mẫu tử” diễn ra vào ngày 22/9/2018 tại Cung Văn hoá Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội) sau khi trở thành Quán quân Bolero. Không những thế, liveshow đầu đời của chàng tiến sĩ triết học 9x còn hoành tráng, được đầu tư tiền tỷ với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như: Ngọc Sơn, Giao Linh, Thái Châu... 

Duy Cường thú nhận, anh chỉ là một giảng viên, lương chỉ đủ lo cuộc sống của mình nên không thể nào có đủ tiền làm liveshow. Thế nhưng anh gặp may mắn khi có đơn vị sản xuất đồng hành cùng với sự giúp đỡ của người thầy - ca sĩ Ngọc Sơn nên quyết định “liều mình”. 

Liveshow “Tình mẫu tử” được lấy cảm hứng từ tên MV đầu tay vừa phát hành của ca sĩ Duy Cường. Duy Cường xác định, anh không làm liveshow để… đắt show hơn sau khi trở thành Quán quân, anh muốn khẳng định mình trong đam mê âm nhạc. Ca sĩ Ngọc Sơn nhận xét: “Duy Cường vừa có học thức lại luôn tôn sư trọng đạo nên nhận được tình yêu thương của nhiều khán giả”.

Hơn chục năm trở lại đây, những gameshow ca nhạc tràn ngập trên sóng truyền hình kéo theo việc “ra lò” hàng loạt quán quân, á quân. Thu Minh được coi là quán quân thành công nhất kể từ sau khi cô chiến thắng Tiếng hát Truyền hình TP HCM 1993. Tùng Dương, Trọng Tấn, Thanh Thúy, Đức Tuấn, Hoàng Hải, Uyên Linh, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Bùi Anh Tuấn, Giang Hồng Ngọc, Kasim Hoàng Vũ, Hương Tràm, Khởi My… ngày càng thăng hoa với sự nghiệp âm nhạc của mình. Họ vươn lên thành sao hạng A, hạng B trong làng giải trí Việt góp phần làm nên bản đồ âm nhạc Việt thêm màu sắc, thi vị hơn. 

Tuy nhiên, không phải quán quân, á quân nào đều có thể “vươn tới một ngôi sao”. Có không ít quán quân sau một đêm đăng quang, cát sê tăng vọt, chạy sô hết công suất, bỏ quên nghệ thuật. Nhưng cuộc chơi nào cũng chóng tàn, chỉ thời gian ngắn, các quán quân bị hụt hơi trong sự nổi tiếng ảo và cuối cùng “chìm nghỉm” trong sự nổi tiếng ảo của mình.  

Ya Suy trở thành Quán quân “Thần tượng âm nhạc” 2012 là một ví dụ điển hình. Khi cuộc thi kết thúc, người ta cũng quên luôn quán quân mà họ đã bình chọn phải xoay xở ra sao với bước đường sau này. Ya Suy có phong độ thất thường và không tự tin làm chủ sân khấu mỗi lần xuất hiện. Đáng buồn hơn, Ya Suy còn làm cho công chúng ngán ngẩm khi có con với người hâm mộ nhưng vô trách nhiệm, không nhận con.

Ya Suy gần như không thể hiện được mình trong âm nhạc và khán giả chỉ nhớ đến Ya Suy với những bê bối đời tư. Có lẽ, con đường đi đến thành công tại “Thần tượng âm nhạc” là một phép màu thoáng chốc đối với chàng thanh niên người Chu Ru này. Giống như hoa nở tối tàn. Ya Suy bây giờ gần như đã “bốc hơi” trong showbiz Việt. Chính Ya Suy cay đắng thừa nhận: “Tôi bơ vơ trong showbiz”.

Quán quân “Ngôi sao Việt” - Thanh Tùng “bặt vô âm tín” ở nơi nào. Giành ngôi vị quán quân của “Thần tượng âm nhạc Việt”, khán giả mong chờ một sự bứt phá của Quốc Thiên nhưng cái mà người hâm mộ nhận được chỉ là những hình ảnh lu mờ theo ngày tháng. Thảo My - Quán quân “Giọng hát Việt” “mất hút” từ sau khi đăng quang... Những Mỹ Ngọc (Duyên dáng bolero), Tố Tố (Trời sinh một cặp), Lộn xộn band (Bài hát hay nhất), Phù Vạn Nam Hương (Ai sẽ thành sao), Đăng Nguyên (Ban nhạc quyền năng)... đang loay hoay “định vị” tên tuổi của mình.

Các quán quân bị “thả nổi” với “đời”?

Những gì dễ dãi thì khó bền lâu. Điều này có vẻ đúng với các hiện tượng game show Việt. Sau chương trình kết thúc, các quán quân bị “thả nổi” với “đời”. Các “sao một đêm” lao vào showbiz với tư tưởng của một người “trúng số độc đắc”, nên ít người giữ được mình. Sự nổi tiếng đến quá nhanh kèm theo những hệ lụy về ứng xử văn hóa khiến quán quân dễ tuột dốc không phanh nếu không có người đỡ đầu định hướng.

Họ đa phần tỏ ra lúng túng không biết bắt đầu từ đâu trong con đường sự nghiệp của mình. Chẳng có tài năng bền lâu nào mà không đào luyện qua thời gian, cũng chẳng có một thị trường âm nhạc nào mà ca sĩ đã thành danh lại không đầu tư vào chuyên môn. 

Chưa kể, sự thiếu đầu tư một cách dài hơi cho các tài năng trẻ của các nhà sản xuất khiến các show truyền hình thực tế chỉ đơn giản là chương trình mang tính kinh doanh thay vì trở thành nơi ươm mầm các tài năng có thể đi một chặng dài trên con đường nghệ thuật. Thay vì đào tạo chính quy, kỹ lưỡng, các cuộc thi chỉ việc đánh bóng các tên tuổi qua các chương trình trực tiếp, vừa nhanh, lại vừa thu bộn tiền quảng cáo.

Bỏ ra mức chi phí không hề nhỏ cho việc mua bản quyền cũng như xây dựng chương trình, việc thu lợi nhuận là công việc của nhà sản xuất. Doanh thu chính của mỗi game show xuất phát từ quảng cáo. Mức rating càng cao thì thu hút càng nhiều hợp đồng. Họ sẵn sàng “thổi” một vài người thành quán quân. Nhưng thực tế, “được thổi” là một chuyện, còn quán quân thành danh ở làng nhạc Việt hay không lại là chuyện khác.