Quan tâm hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân

(PLVN) - Một trong những nội dung mới, rất tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 chính là các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp cũng đặt ra yêu cầu ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhờ vậy, qua 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, kết quả hoàn thiện thể chế về nội dung này là rất tích cực.

Hàng chục đạo luật cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân

Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều điểm mới, tiến bộ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II) như: Quy định các nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết; Phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân; Mở rộng phạm vi, nội dung các quyền con người, quyền công dân bằng việc quy định rõ hơn hoặc quy định mới các quyền hiến định về bình đẳng trước pháp luật, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền sống…; Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân được đề cao và thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, phản ánh sự thay đổi sâu sắc về nhận thức của Nhà nước và xã hội ta về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Xác định tầm quan trọng và yêu cầu của việc cụ thể hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chính phủ đã đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các năm qua nhiều dự án luật, pháp lệnh về quyền con người, quyền công dân. Tính đến tháng 6/2019, dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 do Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 11 luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được liệt kê tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 718.

Theo đó, các quyền con người, quyền công dân thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị như quyền ứng cử, bầu cử; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội… đã được quan tâm cụ thể hóa thông qua việc ban hành mới Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các quyền con người, quyền công dân trong nhóm quyền kinh tế, văn hóa xã hội thì được cụ thể hóa trong các đạo luật thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình… đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm ghi nhận và quy định cụ thể cơ chế tổ chức thực hiện, bảo vệ tốt hơn nữa các quyền con người trong lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân, gia đình. 

Đối với nhóm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp như quyền sống, quyền chứng minh vô tội, quyền bảo vệ tài sản... cũng đã được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự... Đặc biệt, việc ban hành Bộ luật Hình sự đã giúp cho Nhà nước và nhân dân ta có thêm công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, thể hiện tính nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Được dư luận xã hội đánh giá cao

Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo, ban hành các luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật, các nguyên tắc về hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được quán triệt đầy đủ để bảo đảm việc hạn chế quyền chỉ trong các trường hợp đã được Hiến pháp quy định và chỉ bằng luật. Các cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng được quy định cụ thể trong các đạo luật thông qua việc trực tiếp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân khác có liên quan; quy định việc tăng cường trách nhiệm, bảo đảm sự đúng đắn, nghiêm minh công bằng trong các hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của mọi chủ thể… 

Kỹ thuật lập pháp tiến bộ đã góp phần đáng kể trong việc bảo đảm nguyên tắc việc hạn chế quyền chỉ được giới hạn bởi các quy định của luật, do luật điều chỉnh. Điều này cũng góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản dưới luật, giúp các đạo luật sớm có hiệu lực thực tế, các đạo luật liên quan đến quyền con người khả thi hơn. Nhiều đạo luật khi được ban hành đã được dư luận xã hội đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dự án luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm Chính phủ trình trong Danh mục kèm theo Nghị quyết 718 chưa được ban hành, trong đó có các đạo luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Một số văn bản dưới luật là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật về hạn chế quyền con người có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

Trong thời gian tới, triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, dự thảo Báo cáo kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó ưu tiên các dự án luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Đọc thêm