“Mình làm tốt, sống tốt thì nói bà con mới nghe”
Anh Ìn Si Cẩu, năm nay 45 tuổi, là người dân tộc Hoa. Gia đình anh Cẩu chuyển từ Đồng Nai đến ấp Tân Giao, xã Láng Lớn lập nghiệp từ khi anh mới 13 tuổi. Gắn bó với vùng đất Tân Giao hơn 3 thập kỷ, anh Cẩu không chỉ dựng xây gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế vững vàng mà còn trở thành người có uy tín được bà con tin yêu, kính trọng. Với sự năng động, nhiệt tình, từ 2015 đến nay, anh được bầu làm Phó trưởng thôn Tân Giao, Tổ trưởng tổ đoàn kết dân cư.
Vừa làm tốt vai trò là “cầu nối” trong các chương trình, chính sách của Nhà nước, anh Cẩu còn là người đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Con đường tổ 4 trước đây chỉ rộng khoảng 3m, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, gia đình anh đã gương mẫu hiến hơn 700m2 đất vườn để mở đường. Anh Cẩu kể: “Tôi nghĩ mình là người có uy tín thì phải làm trước. Mình làm, bà con thấy hợp lý sẽ làm theo”. Sau khi gia đình anh hiến đất, nhiều hộ dân xung quanh cũng tình nguyện làm theo. Nhờ sự đồng lòng, con đường được mở rộng lên hơn 7m và được bê tông hóa vào năm 2020.
Anh Cẩu còn vận động người dân chung tay xây dựng “tuyến đường hoa” dài 1,2km, lắp đặt 55 đèn năng lượng mặt trời trị giá hơn 82 triệu đồng, tổ chức treo cờ Tổ quốc đồng loạt vào các dịp lễ, Tết. Nhờ sự lan tỏa tích cực ấy, tổ 4 hôm nay không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn ấm áp nghĩa tình.
Anh Cẩu cũng là nông dân sản xuất giỏi với mô hình chăn nuôi - trồng trọt kết hợp. Ngoài ra, anh đã 28 lần hiến máu nhân đạo, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. “Người có uy tín như anh Cẩu không chỉ nói bằng lời, mà còn làm bằng hành động. Chính điều đó tạo nên niềm tin cho bà con”, bà Lê Thị Yến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, nơi có đông đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Ở đây, anh Đào Văn Tâm (50 tuổi) là người tiên phong trong việc đưa máy móc, cơ giới hóa vào canh tác lúa. Anh nhớ lại: “Năm 2000, bà con nơi đây chỉ làm được 1 vụ lúa, không đủ ăn. Sau khi Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, tôi mạnh dạn mua máy cày, máy tuốt lúa để kịp thời vụ. Thấy hiệu quả, tôi hướng dẫn bà con làm theo. Đến nay, bà con đã biết sản xuất 2 vụ lúa mỗi năm, kinh tế cải thiện rất nhiều”.
Anh Tâm không chỉ làm gương trong sản xuất mà còn giúp đỡ kỹ thuật, cho bà con mượn máy, hỗ trợ phân bón; tích cực tuyên truyền để bà con từ bỏ tập tục lạc hậu, sống văn minh, đưa con em đến trường và chăm lo phát triển kinh tế. Anh Tâm nói: “Người có uy tín không phải là chức vụ gì, mà là người được bà con tin. Mình làm tốt, sống tốt thì nói bà con mới nghe. Quan trọng là phải chân thành, gương mẫu, kiên trì”.
Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân
Cũng ở thôn Lồ Ồ, bà Đào Thị Dương (63 tuổi, dân tộc Châu Ro) - thành viên tổ hòa giải thôn, cũng là một người uy tín. Khi Nhà nước triển khai mở rộng tuyến đường từ thị trấn Ngãi Giao vào xã, nhà bà là hộ đầu tiên hiến đất. Bà kể: “Ban đầu nhiều người còn e ngại. Tôi làm trước, rồi vận động từng hộ. Thấy tôi đi đầu, bà con cũng đồng thuận”. Đến nay, con đường rộng rãi đã hoàn thành, giúp người dân thuận lợi trong đi lại và giao thương.
Bà Dương còn tích cực vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế, cho con học hành, từ bỏ tập tục lạc hậu. Với bà Dương, “người có uy tín thì phải biết chia sẻ, gần gũi với bà con, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc”.
Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nói: “Người có uy tín chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tiếng nói của họ có sức thuyết phục cao. Họ không chỉ giúp chuyển tải chính sách mà còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con tới chính quyền. Chính vì vậy, huyện rất quan tâm, bồi dưỡng và phát huy vai trò của lực lượng này”.
Ông Khởi cho biết thêm: “Ngày nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Châu Đức không chỉ nhận hỗ trợ mà còn tham gia trực tiếp vào công tác quản lý. Từ hiệu trưởng là người đồng bào dân tộc ở các trường học, đến cán bộ chính sách ở huyện… cho thấy sự đồng hành ngày càng rõ nét của đồng bào với công cuộc phát triển chung”.
Từ những con đường nông thôn được mở rộng, những cánh đồng được cơ giới hóa, đến tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên; dấu ấn của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Châu Đức là rất rõ nét. Họ không chỉ là người truyền đạt thông tin, còn là hạt nhân đoàn kết, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân; dù không có chức danh, không biên chế, không lương, nhưng lại thực hiện sứ mệnh trách nhiệm lớn lao.