Quản thế nào khi mại dâm tồn tại “bất chấp” luật cấm?

(PLO) - Ông Lê Văn Quý Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho rằng tuy pháp luật hiện hành không công nhận mại dâm là một nghề nhưng thực tế mại dâm đã tồn tại rất lâu đời. Vì vậy, chúng ta phải tạm thời chấp nhận như một sự tồn tại của lịch sử, nhưng phải có một chế định phòng chống thế nào. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Mở” để… thắt
Theo đề xuất của ông Lê Văn Quý, Trung ương nên mạnh dạn chỉ đạo cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ “nhạy cảm” như khách sạn, quán bar, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn, chứ không thể “chấp nhận mại dâm phát triển tràn lan như hiện nay, rồi chúng ta cứ chạy theo phòng chống suốt đời mà nó vẫn còn”. 
Tán thành quan điểm này, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng, trong bối cảnh chúng ta không thể quản lý được tệ nạn mại dâm như hiện nay cũng như để ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì việc “gom” các dịch vụ được cho là có hoạt động mại dâm để quản lý là một giải pháp rất hiệu quả và cần thiết.
Điều mà ông Quang băn khoăn là hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn chưa ủng hộ chủ trương này. Cụ thể, theo vị đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nếu tập trung nhóm mại dâm vào một khu vực chung đồng nghĩa với việc chúng ta thừa nhận việc làm này. Trong khi đó, thế nào là các dịch vụ “nhạy cảm”, chúng ta cũng không định nghĩa được. Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì vẫn coi mại dâm là hành vi bị cấm. Và khi quy định này đi vào thực tế, người đưa đối tượng mại dâm vào đó hoạt động sẽ vi phạm và bị xử lý. 
Bên cạnh đó là vô vàn yếu tố khó khả thi khác. “Ví dụ, karaoke thực chất là một loại hình văn hóa rất lành mạnh, cớ sao lại đưa vào một khu vực như thế? Dịch vụ mát xa thì ở khách sạn nào mà chả có, không lẽ quy tụ tất cả khách sạn vào một nơi? Rồi “gom” tất cả vào một khu vực như thế, liệu có bảo đảm không có sự bắt bớ khi có hành vi vi phạm?. Việc xử lý người nước ngoài vi phạm như thế nào?. Lãnh đạo cấp cao mà “bén mảng” vào các khu vực đó sẽ chịu cơ chế pháp lý gì, đạo đức ra sao?” – ông Quang đặt câu hỏi. 
“Xung đột” với…  luật pháp
Vì thế, theo TS. Nguyễn Huy Quang, với điều kiện của nước ta cũng như để quản lý được tệ nạn này, chúng ta nên cân nhắc lựa chọn phương án cấm nhưng thừa nhận về mặt thực tế. Đây cũng là xu hướng nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Singapore…) lựa chọn. TS. Huy Quang phân tích, nếu thực hiện theo phương án này, chúng ta sẽ quản lý được các đối tượng mại dâm thực sự hiệu quả. Cụ thể, khi hành nghề này, đối tượng bán dâm sẽ được đăng ký hành nghề, quản lý về sức khỏe và được tập huấn, giáo dục về các kỹ năng tự bảo vệ mình… 
Trước các quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (34 tuổi) ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội lo lắng nếu Nhà nước chủ trương việc tập trung quản lý mại dâm nghĩa là hợp pháp hóa mại dâm. Vì lẽ đó, chị không đồng ý với việc này. Theo chị Hồng Liên, hợp pháp hóa mại dâm có những hạn chế như sau: thứ nhất, chồng/vợ có thể quan hệ ngoài luồng hợp pháp dẫn tới hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội; tiếp đến, khi hợp pháp hóa mại dâm, chắc chắn số lượng lao động trong nghề này sẽ tăng đáng kể vì hiện nay dân số nước ta đang bị thất nghiệp rất nhiều, phải chăng đây là cơ hội, là “mảnh đất màu mỡ” kiếm tiền của họ mà không cần nỗ lực học hành. 
Cũng theo chị Liên, đây còn là hành vi trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, ảnh hướng tới sức khỏe, giống nòi, đời sống vật chất và văn hóa của xã hội, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ sau. Ngoài ra, nó sẽ chà đạp lên nhân phẩm của con người, nhất là phụ nữ. Đặc biệt, nếu mại dâm được hợp pháp hóa có thể là tiền lệ cho các hoạt động bất hợp pháp khác như buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn bán người…

Đọc thêm