Có cầu là có cung
Nghề mại dâm có thể khẳng định đã xuất hiện từ rất lâu đời và chưa bao giờ mất đi. Và thực tế là chính các cơ quan chức năng cũng khẳng định nhu cầu tâm sinh lý của một bộ phận người trong xã hội. Suốt bao năm chúng ta đã chống, đẩy lùi, ngăn ngừa bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng hễ dẹp nơi này thì lại “phình” ở nơi khác, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Không ít vị cán bộ làm công tác xã hội ví von công việc của mình như “ném đá ao bèo”
Cô gái Lê Kiều Oanh, có thâm niên ba năm hành nghề nói với phóng viên: “Em bị công an phường bắt một lần, rồi được thả ra, lại hành nghề. Nhưng còn cách nào khác đâu. Không ai có thể cấm được những người như em ngừng hoạt động. Bởi cơ chế này nọ mà người ta đưa ra chẳng có cơ sở thực tiễn chút nào. Việc thì khó kiếm, mẹ già, con nhỏ nên phải làm gái thôi”.
Không ít cô gái như Oanh còn lên mạng xã hội, viết ra những lời vừa chua xót vừa cay cực. Tất cả đều thể hiện cuộc mưu sinh đã đẩy đưa họ. Tất nhiên, nếu ai cũng đổ tại khó khăn trong cuộc sống rồi đi làm nghề đó thì xã hội đã chẳng đếm hết con số người hành nghề. Nhưng thực trạng mà các cô đang nói tới cho thấy bức tranh đa chiều nhiều màu sắc của xã hội. Và hoạt động mại dâm là điều không thể thiếu. Oanh và nhiều người cùng nghề thẳng thắn chia sẻ: “Để không có hoạt động này, trừ khi không còn đàn ông trên đời”.
Thực tế đã và đang chứng minh, trong hoạt động mại dâm có cả một thế giới sinh động, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Các cô gái hành nghề này cũng nghĩ ra nhiều chiêu quảng cáo, tạo kênh thu hút khách, đó là quảng cáo hình ảnh trên mạng xã hội, facebook, zalô… Thậm chí có những người tổ chức cả một đường dây, lập ra những trang mạng riêng để các cô thuê chỗ quảng cáo trên đó. Nhiều hình ảnh chân thực được đưa ra, số đo ba vòng và chiều cao được công khai, có thể hiện khu vực, số điện thoại liên hệ, số tiền rõ ràng. Khách chỉ cần bấm điện thoại gọi, hẹn và gặp.
Nhiều trang mạng đã hoạt động được cả chục năm, thu hút quảng cáo với số tiền không nhỏ. Một cô gái có tên Bảo Vy tâm sự: “Bây giờ người ta nhìn nhận vấn đề cũng thoáng lắm. Em thấy có những người đàn ông yêu vợ lắm, tốt tính. Nhưng lúc vợ sinh nở, do nhu cầu sinh lý, anh ấy phải tìm đến chúng em. Vậy đó là nhu cầu chứ, có phải là cái gì bệnh hoạn đâu!”.
Uớc mơ được bảo vệ
Cô gái Lê Thị H., người có biệt danh H. Béo, thâm niên 5 năm trong nghề tâm sự: “Chúng em cũng chịu khó theo dõi tin tức lắm. Đọc thì thấy chính các cơ quan chức năng lúng túng trong việc quản lý người hoạt động trong lĩnh vực này. Bây giờ chỉ phạt hành chính nếu bị bắt mà không đưa vào diện cải tạo, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh hay áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương. Như vậy là thất sách chứ. Bắt được mà trong người chúng em không có tiền thì bắt nộp phạt làm sao?. Nhốt chúng em vào đâu được?. Vậy thì thà để chúng em hoạt động, rồi chúng em được quản lý, được khám chữa bệnh và ai có khả năng bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Ai không trong diện quản lý và cấp phép thì không được hoạt động. Như thế có phải dễ hơn không!”.
H. cũng kể về giây phút hãi hùng cách đây đã lâu khi mới hành nghề. Lần đó, cô nhận được cú điện thoại của khách yêu cầu đến khách sạn. Đến nơi, cô không ngờ sa vào cái bẫy khi trong phòng có đến bốn gã đàn ông say rượu. “Kêu làm sao được hả anh. Ai cứu?. Em phải chịu đựng những đau đớn tinh thần và thể xác suốt một thời gian dài. Bây giờ thì tỉnh rồi, em có nhiều kinh nghiệm để tránh chuyện ấy”.
Đến giờ tôi vẫn nhớ tới câu chuyện của cô gái ở Trung tâm Lao động xã hội Vĩnh Phúc. Cô bị nhiễm HIV. Cô kể trong quá trình hành nghề đã không biết bao lần bị đánh vì cái tội không chịu quan hệ khi không dùng bao cao su. Chỉ biết gạt nước mắt chấp nhận và rồi cô đã bị nhiễm thứ bệnh kia từ một vị khách làng chơi nào đó. “Giá như được quản lý, được bảo vệ thì em đã không đến nông nỗi này” – cô gái nói. Nhiều cô gái cũng đồng tình với vấn đề này. Chẳng hạn, có cô gái cho biết, cơ quan chức năng cứ để hoạt động bị thả nổi, không cấm nổi và cũng không cho phép. Vậy nên nhiều cô gái bị bệnh đi trả thù đời, hoặc không biết mình đã mắc những căn bệnh nguy hiểm. Trong quá trình hoạt động, họ để lây lan dịch bệnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.
Không chỉ khó khăn trong quản lý mà hiện tại, việc quản lý nửa vời đối với đối tượng hoạt động mại dâm gây ra biết bao chuyện dở khóc, dở cười. Như một vị cán bộ trong ngành chia sẻ, theo quy định mới, cơ quan công an chỉ được tạm giữ hành chính gái mại dâm trong vòng 24 giờ. Nếu họ không có tiền nộp phạt thì vẫn phải thả. Nếu thả ra, không thu được tiền xử phạt vi phạm hành chính thì cán bộ công an không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người phải tự bỏ tiền túi ra nộp phạt cho gái mại dâm để… “được hoàn thành nhiệm vụ” (!).
Hiện nay, ở những thành phố lớn đã có những “tổ ấm” của người hoạt động mại dâm. Đó thật sự là những mái nhà chung của họ, họ sống cùng nhà và hoạt động cùng nghề, được chia sẻ, được sự giúp đỡ của một số tổ chức. Phải chăng những người làm chính sách cần tham khảo để đưa ra những quyết sách đúng đắn, từ đó hướng tới mục tiêu vừa quản, vừa cho hoạt động trong khuôn khổ an toàn?.