Quan tham sa lưới
Việc bắt giữ ông Vương diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ ngay sau khi ông này chủ trì cuộc họp báo công bố số liệu thống kê ngày 26/1/2016 về tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2015.
Tòa án thành phố Trương Gia Khẩu đã bắt giam Vương Bảo An vì tội nhận hối lộ 153 triệu nhân dân tệ tiền mặt và nhiều vật phẩm có giá trị khác. Ngoài ra, ông An bị cáo buộc trong thời gian từ 1994 đến 2016 đã lợi dụng các chức vụ ở Bộ Tài chính và Trợ lý tỉnh trưởng Hắc Long Giang để giúp người khác trong tiêu thụ vé xổ số, xin vay tiền, phê duyệt công trình, cấp đất, bổ nhiệm, điều chuyển chức vụ… rồi nhận hối lộ số tiền cực lớn.
Được biết,Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) này tiến hành điều tra ông Vương từ hồi tháng 1/2016. Đến ngày 26/8/2016, CCDI ra thông báo Vương Bảo An bị “song khai” (đình chỉ chức vụ, cách ly điều tra).
Thông báo nêu rõ, ông Vương Bảo An, cựu Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia không có lập trường chính trị vững vàng, thường xuyên lui tới các khách sạn cao cấp, lạm dụng quyền lực để trục lợi cho người thân, nhận quà biếu và các tài sản hối lộ.
Thông báo cũng chỉ rõ An đã lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ để mưu cầu lợi ích cho người thân trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Ngoài ra, theo thông tin được đăng tải trên trang web của CCDI, ông Vương, 52 tuổi, cũng tham gia vào các hoạt động “mê tín dị đoan”, “trao đổi quyền lực lấy tình dục” và “suy thoái đạo đức”.
Ông Vương cũng đã thừa nhận tội lỗi của mình và bày tỏ sự hối hận. Tuy nhiên trong một tuyên bố, phía tòa án nói rằng sẽ xem xét và đưa ra mức phạt của ông, mặc dù chưa biết thời điểm cụ thể.
Vương Bảo An sinh năm 1963, là tiến sĩ kinh tế. Ông Vương mới nhậm chức Cục trưởng Cục Thống kê nhà nước hồi tháng 4/2015. Trước đó, ông đã có 17 năm từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó văn phòng Tổng cục Thuế, Trợ lý tỉnh trưởng Hắc Long Giang, Vụ trưởng các Vụ Quy hoạch chính sách, Tổng hợp, Xây dựng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tài chính.
Định đào thoát nhưng không thành
Được biết, tháng 11/2015, cán bộ của CCDI đã bắt đầu tìm gặp Vương Bảo An để “trao đổi tâm tình”. Đầu tháng 1/2016, một vị Phó Bí thư ủy ban này lại gặp gỡ, khuyên An khai hết các vấn đề phạm phải trong thời gian giữ các chức Trợ lý Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Đổi lại, CCDI cam kết sẽ thận trọng xem xét, đề nghị kỷ luật với mức nhẹ nhất hoặc không giao sang cơ quan tư pháp xử lý. Khi đó An đã khóc, bày tỏ sẽ trân trọng cơ hội mà CCDI dành cho mình… nhưng thực ra trong lòng đã nảy sinh ý định trì hoãn để chạy trốn.
Chiều 26/1, lúc 13h30’, trước khi tổ chức họp báo, Vương Bảo An đích thân mang tài liệu đã chuẩn bị lên gặp, trực tiếp xin Phó Thủ tướng Uông Dương phê duyệt, mục đích là thăm dò tình hình, trong khi đã bài binh bố trận sẵn để chạy trốn.
Sau khi rời hội trường, Vương thông báo triệu tập các cán bộ của Cục tới họp vào lúc 19h để nghe mình “truyền đạt ý kiến quan trọng của lãnh đạo trung ương”.
Tuy nhiên đó chỉ là đòn nghi binh, ông Vương về phòng làm việc lấy cặp và viện cớ ra sân bay tiễn đưa người bạn sang châu Âu khảo sát nhằm chạy trốn, nhưng vị Phó bí thư và hai cán bộ CCDI đã đợi sẵn, tuyên bố: “Tối nay ông không cần chủ trì hội nghị và giờ cũng không ra sân bay tiễn ai nữa, CCDI quyết định thực hiện biện pháp cách ly điều tra ông”.
Khi khám cặp số của ông Vương thấy trong đó có hai tấm hộ chiếu công vụ mang tên “Hoàng Quốc An” và “Đinh Nghị”, cùng hai cặp vé máy bay khoang VIP: một đi Paris chuyến 19h, một của hãng Lufthansa đi Hamburg chuyến 21h. Cùng lúc đó, một tốp cán bộ khác đến sân bay bắt giữ ả người tình của Vương Bảo An đang đợi y tại phòng chờ dành cho khách VIP.
Người nhà sa lưới theo
Kể từ Vương Bảo An “ngã ngựa”, nhiều người thân của ông ta cũng lần lượt bị bắt giữ điều tra. Cụ thể là Vương Hồng Cảnh chính là em trai của Vương Bảo An. Ngày 22/3/2017, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc ra thông báo: vụ án Vương Hồng Cảnh, Phó thị trưởng thường trực thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam phạm tội nhận hối lộ đã được ủy quyền cho Viện kiểm sát thành phố Chu Khẩu hoàn tất việc điều tra để khởi tố đưa ra xét xử.
Vương Hồng Cảnh sinh tháng 2/1967, quê huyện Lỗ Sơn, Hà Nam, tốt nghiệp Đại học Trịnh Châu, nghiên cứu sinh kinh tế ở Đại học Tài kinh-Chính pháp Trung Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, Cảnh liên tục công tác ở thành phố quê hương Bình Đỉnh Sơn, Hà Nam, từng giữ các chức Phó phòng nghiên cứu thành phố, Bí thư huyện ủy Bảo Phong, Ủy viên thường vụ, Phó thị trưởng Bình Đỉnh Sơn…trước khi về Tiêu Tác.
Theo trang web của Viện kiểm sát tối cao, Cảnh là trường hợp điển hình của hiện tượng thăng cấp kiểu “hỏa tiễn”, cứ 2-3 năm thăng một cấp, tốc độ cực nhanh. Cuối tháng 1/2016 được bổ sung vào ban thường vụ thành ủy Tiêu Tác, bổ nhiệm chức Phó thị trưởng thường trực, sau đúng 40 ngày, đến 1/3 thì bị bãi chức, nên được báo chí gọi là “Phó thị trưởng đoản mệnh nhất”.
Một người em trai khác của Vương Bảo An là “nhị đệ” Vương Hoằng Hy, Bí thư quận ủy Trạm Hà, thành phố Bình Đỉnh Sơn cũng bị bắt điều tra ngay trong dịp Tết 2016. Vào cuối năm 2016, CCDI tỉnh ủy Hà Nam ra thông báo, trong thời gian từ 2003 đến 2014, Hy đã nhận hối lộ của 15 người số tiền 777.000NDT (2,27 tỷ VND).
Được biết, Vương Hoằng Hy sau khi tốt nghiệp Trường cán bộ hành chính thành phố Bình Đỉnh Sơn năm 1993 được điều về Cục Tài chính thành phố làm việc. 5 năm sau, với tư cách một nhân viên ở Cục Tài chính thành phố, Hy được đưa xuống “rèn luyện” tại thị xã Vũ Cương - một đơn vị trực thuộc cấp huyện với chức Phó Cục trưởng Tài chính thị xã.
Đến tháng 10/2000, Hy lần lượt được bổ nhiệm liên tiếp các chức Cục trưởng Tài chính, Phó Thị trưởng, Ủy viên thường vụ thị ủy, Chành văn phòng thị ủy Vũ Cương, rồi Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch thường trực, Chủ tịch huyện Hiệp.
Tháng 10/2013. Vương Hoằng Hy kết thúc 13 năm làm lãnh đạo dưới cơ sở, được điều trở lại giữ chức Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Tài chính Bình Đỉnh Sơn, sau 1 năm được bổ nhiệm Bí thư quận ủy Trạm Hà.
Tại Bình Đỉnh Sơn, mọi cán bộ và người dân ai cũng biết về mối quan hệ anh em của bộ ba An - Cảnh - Hy. Hai người em giữ chức vụ lâu dài ở địa phương, tuy chức vụ cao thấp khác nhau, nhưng tiếng xấu thì giống nhau, Vương Hoằng Hy sau khi trở thành Cục trưởng Tài chính thành phố liền trở nên ngông cuồng, không coi người lãnh đạo thành phố chủ quản lĩnh vực tài chính ra gì, điển hình trong việc quyết định phá dỡ nhà làm việc và khu cư xá gia đình của Cục Tài chính.
Cuối năm 2016, CCDI tỉnh ủy Hà Nam ra thông báo: trong thời gian từ 2003 đến 2014, Vương Hoằng Hy đã nhận hối lộ của 15 người số tiền 777 ngàn NDT (2,27 tỷ VND).
Ngoài hai người em trai, vợ của Vương Bảo An là Hoắc Tiêu Vũ, Phó chủ tịch Công ty Ngân Hà chứng khoán cũng bị bắt điều tra. Ngày 31/1/2016, Ngân Hà chứng khoán phát đi thông báo: “Hội đồng quản trị gần đây nhận được thông báo Phó chủ tịch Hoắc Tiêu Vũ vì lý do cá nhân hiện đang phối hợp với cơ quan tư pháp”. Đến ngày 29/7/2016, Hoắc Tiêu Vũ bị Ngân Hà chứng khoán thông báo bãi chức và chấm dứt hợp đồng làm việc.
Hoắc Tiêu Vũ sinh năm 1966, Thạc sĩ Quản lý công thương. Sau khi tốt nghiệp đại học công tác tại Vụ Tài chính giao thông từ 1988 đến 1991, từ 1991 đến 2002 chuyển về Công ty đầu tư tín thác phát triển kinh tế Trung Quốc, leo lên đến chức Phó Tổng giám đốc Cục cho vay công thương; từ năm 2002 chuyển về Công ty Ngân Hà chứng khoán và thăng tiến rất nhanh, từ tháng 8/2007 giữ chức Phó chủ tịch Công ty Ngân Hà chứng khoán, phụ trách nghiệp vụ giao dịch quốc tế; từ tháng 6/2011 kiêm nhiệm Chủ tịch Ngân Hà Quốc tế, nổi tiếng là “Chủ tịch mỹ nữ”.
Có thể nói, kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng vốn ăn sâu trong bộ máy điều hành nhà nước. Nhiều quan chức cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước, các quan chức trong quân đội… bị "vạch mặt" trong suốt thời gian qua.
(còn nữa)