Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 62 xã được UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 2.163 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân gần 2.100 tỷ đồng - đạt 90% kinh phí cấp tạm ứng; đồng thời hoàn thành việc kê khai đối với 68.957 lao động và gần 726 tỷ đồng.
Riêng đối với 1.705 tấn hải sản tồn kho đã có quyết định phê duyệt, toàn tỉnh giải ngân hơn 30,5 tỷ/gần 43 tỷ đồng được phê duyệt.
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục thẩm định, phê duyệt theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc áp giá bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển và xác định giá để tính bồi thường, hỗ trợ hàng hải sản tồn kho.
Người dân Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) nhận tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển. |
Trên cơ sở báo cáo tình hình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện những giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, tránh xảy ra sai sót, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Được biết, trong thời gian tới các địa phương trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành việc kê khai, phê duyệt và chỉ trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Thực hiện thẩm định, chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với hải sản tồn kho đã được ngành Y tế kiểm nghiệm; rà soát, bổ sung đối tượng thực sự bị thiệt hại mà chưa được bồi thường...
Trao đổi với PLVN, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình cho biết, sự cố xảy ra hồi tháng 4/2016 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, đồng thời tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Thống kê đã có 7/8 huyện, thành phố, thị xã, với 62 xã, phường có đối tượng bị thiệt hại.