Quảng Bình nỗ lực phát triển y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Quảng Bình đang cho thấy sự chuyển mình trong việc cải thiện dịch vụ y tế ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện khó khăn. Đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là ngành Y tế. Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Đinh Viễn Anh – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.
Hoạt động tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại thôn bản cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thường xuyên tại Quảng Bình.
Hoạt động tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại thôn bản cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thường xuyên tại Quảng Bình.

- Xin ông cho biết, chính sách đầu tư y tế cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu vùng xa ở tỉnh Quảng Bình đã được triển khai như thế nào trong những năm qua?

Ông Đinh Viễn Anh: Hiện nay, các huyện của tỉnh Quảng Bình có bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung bao gồm: Tuyên Hoá, Minh Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Bình có tổng 15 xã, gồm: 11 xã khu vực III (ở mức độ đặc biệt khó khăn), 2 xã khu vực II (khó khăn) và 2 xã khu vực I (ở mức độ có bước đầu phát triển).

Phó giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh trao khen thưởng tại Hội thi Điều dưỡng giỏi ngành Y tế Quảng Bình năm 2023.

Phó giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh trao khen thưởng tại Hội thi Điều dưỡng giỏi ngành Y tế Quảng Bình năm 2023.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành Y tế tỉnh Quảng Bình với vai trò tiên phong, nòng cốt đã nỗ lực tập trung, tham mưu triển khai xây dựng các xã vùng sâu vùng xa đạt được tiêu chí quốc gia về y tế.

Đến nay, cơ bản 100% xã vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế xã kiên cố. Trong lĩnh vực đầu tư về cơ sở vật chất y tế giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể đã có 8/15 trạm y tế xã đã được cải tạo, sửa chữa nâng cấp từ các nguồn dự án y tế cơ sở, đầu tư công trung hạn với tổng số vốn25,323 tỷ đồng. 7 trạm y tế khác tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã nhưng đã xuống cấp và đang được các chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc miền núi có kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới.

Trạm Y tế xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới được đưa vào sử dụng.

Trạm Y tế xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới được đưa vào sử dụng.

Hiện 100% hộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, 100% xã có bác sỹ phục vụ. Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết từng bước giảm xuống rõ rệt nhờ các chính sách tuyên truyền vận động được thực hiện sâu rộng và đạt hiệu quả cao. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.

- Hiệu quả của chính sách đầu tư, phát triển y tế ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại những hiệu quả gì, thưa ông?

Ông Đinh Viễn Anh: Những năm qua, Quảng Bình đã tập trung đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đặc biệt chú trọng chuyên môn và từng bước quản lý theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở, nhất là các vùng miền núi khó khăn.

Nhờ sự nỗ lực đó, mạng lưới y tế cơ sở hiện đã được củng cố và hoàn thiện. Người dân ở cơ sở, kể cả những vùng miền núi khó khăn đều có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi hơn. Đồng thời, các dịch vụ y tế cũng được cung cấp cho người dân được tốt hơn, giảm tải cho tuyến trên, giảm gánh nặng cho gia đình góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Hoạt động hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ngành Y tế tỉnh Quảng Bình triển khai thường xuyên.

Hoạt động hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ngành Y tế tỉnh Quảng Bình triển khai thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ 100% Bảo hiểm y tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thực sự có ý nghĩa nhân văn cao, đem lại những hiệu quả thiết thực giúp bà con giảm gánh nặng về chi phí trong bối cảnh thực trạng thu nhập còn quá thấp, góp phần đáp ứng được mục tiêu đề ra về nâng cao sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em, người nghèo và cận nghèo và người thiểu số trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển y tế của tỉnh Quảng Bình.

- Ở tỉnh Quảng Bình, việc đầu tư cho y tế xã, thôn bản, đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn đã giảm thiểu gánh nặng cho y tế tuyến trên, xin ông lý giải rõ hơn về hiệu quả này?

Ông Đinh Viễn Anh: Trên thực tế, không chỉ riêng Quảng Bình mà đối với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Đó là nơi người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ y tế với chi phí thấp, đảm bảo công bằng xã hội và giảm quá tải cho hệ thống bệnh viện tuyến trên.

Một bà mẹ người dân tộc thiểu số ở Quảng Bình được cán bộ y tế cơ sở đến tận nhà tư vấn kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh.

Một bà mẹ người dân tộc thiểu số ở Quảng Bình được cán bộ y tế cơ sở đến tận nhà tư vấn kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh.

Trong những năm vừa qua, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở và nguồn nhân lực y tế cơ sở đã dần thực sự trở thành “người gác cổng” sức khỏe đáng tin cậy cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là đối với các vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Cùng với đó, việc ứng dụng sâu các tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân nơi vùng sâu vùng xa. Bà con đã được tư vấn, tiếp cận và hưởng lợi từ chất lượng các dịch vụ chăm sóc, điều trị ở ngay tại địa bàn mình sinh sống.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình kiểm tra cơ sở vật chất tại Trạm Y tế xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình kiểm tra cơ sở vật chất tại Trạm Y tế xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Những công nghệ hiện đại của y tế được áp dụng cũng dần xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến để hỗ trợ chuyên môn và đánh dấu bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân ở những vùng khó khăn.

Từ khi chương trình khám chữa bệnh từ xa được áp dụng, các y, bác sĩ tuyến cơ sở ở Quảng Bình được dự giao ban chuyên môn thường xuyên với bệnh viện tuyến huyện, thậm chí được hỗ trợ chuyên môn kịp thời từ các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương. Từ đó giúp các y, bác sĩ tuyến cơ sở nâng cao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh, giúp người dân tin tưởng, yên tâm với dịch vụ y tế ngay tại địa phương mình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm