Quảng cáo hàng hóa: Vô tư hay… phải xin phép ?

 Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Quảng cáo. Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo - cho biết, quảng cáo không đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà phải mang tính định hướng tư tưởng cho xã hội.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Quảng cáo. Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo - cho biết, quảng cáo không đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà phải mang tính định hướng tư tưởng cho xã hội.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hơn thế, Luật Quảng cáo còn phục vụ  cho phát triển xã hội, không làm cản trợ Nghị quyết của Đảng và phải phục vụ cho được mục đích kinh doanh của DN, tạo sự bình đẳng và bảo vệ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể để người dân “khó chịu” với quảng cáo.

Không cần cấp phép?

Góp ý vào dự thảo luật, ông Nguyễn Qúy Cáp - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM - nói: “Tôi quan tâm đến những hành vi cấm quảng cáo bởi trong quảng cáo, ý tưởng của các nhà làm quảng cáo luôn sáng tạo và cực kỳ quan trọng đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, luật quy định về cụm từ “thuần phong mỹ tục” là quá chung chung. Việc “xóa bỏ” quảng cáo ngoài trời không những gây bức xúc mà còn thể hiện sự nhận thức lẫn lộn về cách hiểu quảng cáo ngoài trời với các loại “quảng cáo”, “khoan cắt bê tông”, “tuyển lao động” dán tràn lan trên tường và cột điện...”

Bên cạnh đó, việc cấp phép quảng cáo còn quá chậm, thậm chí “phiền hà” gây không ít khó khăn cho các DN quảng cáo, trong khi các sản phẩm, dịch vụ hiện nay có chu kỳ sống rất ngắn, xin đuợc giấy phép xong thì nhu cầu quảng cáo đã không còn hoặc có những “chiêu” quảng cáo mà bản thân DN quảng cáo cần được giữ bí mật...

Đây chỉ là một vài lý do làm hạn chế tác dụng của công tác quảng cáo. Chưa hết, không ít DN đã “nhanh tay hợp tác” với các phòng văn hóa quận, huyện thực hiện hoạt động quảng cáo lẫn lộn với các pa nô cổ động, tuyên truyền tạo nên sự lộn xộn giữa quảng cáo và tuyên truyền. “Không cần thiết phải có giấy phép quảng cáo, vì đây là nơi nảy sinh tiêu cực” – ông Cáp bức xúc. Ông Cáp nói tiếp, “nếu chúng ta treo băng rôn ở cột điện thì xin anh điện; treo trên cây xanh thì xin anh cây xanh... Do vậy, nên giao cho quận, huyện quản lý việc quảng cáo này, nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì phạt nặng.”

Ông Đỗ Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM - tiếp lời, ở nước ngoài người ta tổ chức đấu thầu các trụ điện, những đơn vị nào “mua” quảng cáo, thì hết ngày giờ quảng cáo phải tháo xuống để đơn vị khác tiếp tục quảng cáo. Cạnh đó, những nội dung nào được treo, đơn vị trúng thầu phải công khai... Theo ông Dũng, với cách làm hiện nay của TP.HCM, nhiều khoản tiền không nhỏ đã rơi vào lợi ích nhóm, còn nhóm nào thì “không tiện nói ra”. Do vậy, cần thiết phải xóa bỏ giấy phép, không bỏ bây giờ thì sau này cũng bỏ, do vậy không nên đưa vào luật.

Cần tăng mức xử phạt

Đồng tình với các ý kiến trên, bà Trần Thị Thanh Mai - Giám đốc Cty Quảng cáo Mai Thanh (TP.HCM) bày tỏ: Dự thảo luật chưa quy định rõ về các các thông tin được và không được quảng cáo trên Đài truyền hình; chưa quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ phương tiện truyền thông, đặc biệt là tuyền hình công nếu có sai phạm trong quảng cáo; thông tin đăng tải trên tờ báo là quan điểm của tờ báo hay thông tin quảng cáo cho DN cũng chưa được dự thảo luật nêu. Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng cần bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo, cần quy định thông tin quảng cáo phải đủ thông tin, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cần loại bỏ nội dung khoản 3, Điều 30 và cho phép quảng cáo trên toàn bộ thành của xe ô tô, vì việc quảng cáo 50% diện tích và toàn bộ thành xe không khác nhau. Nếu xét về khía cạnh ảnh hưởng đến giao thông; duy trì cấm quảng cáo mặt trước và mặt sau của xe như tại khoản 13, Điều 10 Dự thảo Luật Quảng cáo đã bảo đảm an toàn giao thông.  
Việc giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch quản lý công tác quảng cáo cũng được ông Trần Văn Nghiệp - Giám đốc Cty CP Quảng cáo Sài Gòn - bày tỏ sự đồng tình. Song theo ông Nghiệp, nên quản lý quảng cáo bằng cách cấp phép, bởi không sẽ loạn (không bỏ đối với pa nô lớn, bỏ đối với pa nô nhỏ và băng rôn). TP.HCM tồn tại hàng trăm bảng quảng cáo không phép, trong khi mức xử phạt tối đa chỉ 20 triệu đồng/vụ là quá thấp, nên người ta vẫn chấp nhận phạt.
“Cần quy hoạch quảng cáo theo khu vực và địa bàn, không nên quy hoạch địa điểm cụ thể, vì chỉ làm giàu cho các chủ nhà” – ông Nghiệp bức xúc. Ông Trương Thế Hào Kiệt - Chuyên viên tư vấn pháp lý, Tập đoàn Truyền thông Đất Việt - cho rằng: “Quảng cáo là giới thiệu đến công chúng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với chủ đích tạo ấn tượng đẹp, niềm tin để hướng sự chú ý hay thuyết phục công chúng mua hàng, sử dụng dịch vụ”.

Còn theo ông Phạm Kiến Nghiệp - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam – tại Điều 9 - Hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo, thuốc lá đã bị cấm thì thương hiệu có được quảng cáo hay không, luật cũng cần nêu cho minh bạch. “Các cơ quan chức năng cứ nói “phòng chống thuốc lá”, xếp chúng tôi như phòng chống mại dâm, phòng chống HIV... cũng chẳng có quốc gia nào nói phòng chống thuốc lá mà chỉ nói hạn chế thuốc lá, chúng tôi tủi lắm”, ông Nghiệp nói. 

Phong Trần

Đọc thêm