Quảng cáo “láo”, Volkswagen lại đối mặt án phạt

(PLO) - Liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải của hãng sản xuất ôtô Volkswagen (Đức), Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (FTC) vừa phạt một chi nhánh của hãng này đặt tại Hàn Quốc 37,3 tỷ won (32 triệu USD) vì đã quảng cáo sai sự thật.
Một chi nhánh của Volkswagen tại Hàn Quốc đang bị phạt lên tới 37,3 tỷ won (tương đương 32 triệu USD) vì quảng cáo sai sự thật
Một chi nhánh của Volkswagen tại Hàn Quốc đang bị phạt lên tới 37,3 tỷ won (tương đương 32 triệu USD) vì quảng cáo sai sự thật

Vụ bê bối khí thải của hãng Volkswagen bị phát hiện từ năm 2015 đã khiến hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai thế giới này rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi ra đời.

Phạt “khủng” từ Hàn Quốc

Năm 2015, sau khi thừa nhận đã cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe ô tô động cơ diesel trên toàn thế giới, hãng Volkswagen đã bị mất uy tín tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc. Doanh số bán hàng của hãng này tại Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2016 đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2015. Hồi tháng 8/2016, chính quyền Hàn Quốc đã quyết định cấm kinh doanh 80 mẫu xe của Volkswagen và phạt hãng này 17,8 triệu won do giả mạo thông tin về khí thải và hiệu suất nhiên liệu.

Ngày 7/12/2016, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (FTC) tiếp tục đưa ra thêm một lệnh phạt đối với một chi nhánh của Volkswagen đặt tại Hàn Quốc. Mức phạt lên tới 37,3 tỷ won (tương đương 32 triệu USD) vì lý do Volkswagen đã quảng cáo sai sự thật liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải của hãng. Ủy ban Thương mại Hàn Quốc còn đề nghị các công tố viên điều tra hình sự đối với 5 nguyên lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của công ty Volkswagen tại Hàn Quốc.

Theo FTC, hãng Volkswagen đã đưa ra những quảng cáo “lừa dối”, khẳng định các xe ô tô động cơ diesel đáp ứng các yêu cầu khí thải mặc dù lắp phần mềm gian lận khí thải. Đây là mức phạt cao nhất mà FTC từng áp dụng liên quan đến việc đưa thông tin sai lệch.

Lật lại vụ bê bối gian lận khí thải

Tại Đức, ngành chế tạo xe ô tô và các ngành phụ trợ được xem là “xương sống“ của nền kinh tế nước này và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, song sự liều lĩnh, gian lận đã đẩy Volkswagen vào một vụ bê bối khó có thể bỏ qua.

Mọi chuyện “bắt rễ” vào khoảng năm 2007, không lâu sau khi ông Martin Winterkorn đặt chân vào vị trí Tổng Giám đốc điều hành của Volkswagen. Ngành công nghệ ô tô lúc ấy vừa mới bắt đầu bước chuyển mình sâu rộng nhất, rời khỏi thời kỳ của động cơ đốt trong và tiến tới những khái niệm mới như xe điện, xe hydro và tự động hóa.

Làn sóng mới này đặt ra áp lực nặng nề đối với các hãng sản xuất ô tô trong việc dự đoán nhu cầu người tiêu dùng và giới lập pháp để đưa ra những quyết sách phù hợp về sản phẩm và công nghệ. Trong bối cảnh mông lung này, ông Winterkorn đã thiết kế ra một chương trình phát triển đầy tham vọng.

Với tên gọi “Chiến lược 2018”, kế hoạch này tham vọng đưa Volkswagen, vốn đã thống lĩnh thị trường xe hơi châu Âu, vượt qua General Motors và Toyota để thẳng tiến vào vị trí dẫn đầu toàn cầu vào năm 2018. Chìa khóa cho chiến dịch này là Volkswagen đặt cược vào “động cơ diesel sạch” mà theo lời quảng cáo của hãng là tiết kiệm nhiên liệu hơn và phát ít khí thải hơn trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng hoạt động. 

Nhưng khi vào thị trường Mỹ, các động cơ của Volkswagen ngay lập tức vấp phải rào cản. Năm 2007, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ban hành các giới hạn ô nhiễm nghiêm khắc đối với động cơ diesel. Và ngay sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, ông đã ban hành các quy tắc chặt chẽ hơn về mức tiêu hao nhiên liệu của ô tô. Khi đó, động cơ diesel của Volkswagen không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Trước tình thế bế tắc, ông Winterkorn và đội ngũ tiếp thị đã xây dựng một chương trình quảng cáo tham vọng tại Mỹ, quảng bá rầm rộ về những lợi ích môi trường và hiệu năng vượt trội của động cơ diesel. Trong khi trên thực tế, Volkswagen chưa thể đáp ứng được các điều kiện của EPA. Do đó, các kỹ sư của hãng đã điều chỉnh phần mềm để cho ra kết quả là lượng khí thải ra ít hơn so với thực tế. Với kế hoạch khôn khéo này, Volkswagen đã thuận lợi qua cửa EPA và tăng lượng xe bán ra toàn cầu của mình thêm 12 triệu xe, bao gồm gần 500.000 chiếc tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Đầu năm 2014, hai nhà hoạt động trong lĩnh vực giao thông Peter Mock và John German đã thử nghiệm lượng khí thải từ các xe ô tô của Mỹ nhằm chứng tỏ với châu Âu rằng việc tạo ra động cơ diesel thân thiện với môi trường hoàn toàn là trong tầm tay. Nhưng mọi chuyện bị vỡ lở khi những chiếc xe vốn đã vượt qua cuộc kiểm tra khí thải ở Mỹ khi đi trên đường lại cho thấy mức khí thải nguy hiểm thậm chí gấp 35 lần so với giới hạn cho phép.

Sau nhiều tháng khăng khăng phản đối những cuộc điều tra, cuối cùng vào tháng 9/2015, Volkswagen đã phải thừa nhận đã cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe ôtô động cơ diesel trên toàn thế giới, trong đó ước tính riêng tại Mỹ có khoảng 600.000 xe.

Hãng cũng thừa nhận nhiều dòng xe chạy bằng động cơ diesel như Volkswagen, Audi và Porsche được quảng cáo là thân thiện với môi trường đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn quy định. Vụ bê bối này đã khiến hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi ra đời.

Thiệt hại nặng nề

Ngay sau khi thừa nhận gian lận khí thải, khoảng 482.000 xe của Volkswagen đã bị thu hồi tại thị trường Mỹ. Vụ bê bối gian lận tiêu chuẩn khí thải của Volkswagen đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất xe ô tô này giảm hơn 26 tỷ USD (khoảng 24 tỷ euro) chỉ trong vòng hai ngày.

Trong vòng chưa đầy một tuần, thương hiệu “Made in Germany” bị mất giá thê thảm. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng danh tiếng của toàn ngành công nghiệp ô tô đang đứng trên bờ vực. Giá cổ phiếu của các công ty Đức như BMW tụt 5,4%, Daimler AG, nhà sản xuất của thương hiệu Mercedes - Benz cũng mất 6,5%.

Từ một nhà sản xuất ô tô lớn hàng nhất nhì toàn cầu, Volkswagen phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD và nguy cơ tù giam dành cho Hội đồng quản trị sau khi Bộ Tư pháp Mỹ mở một cuộc điều tra hình sự. Nước Đức cũng ngay lập tức mở một cuộc điều tra diện rộng. Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi “minh bạch toàn diện” từ phía Volkswagen.

Tháng 6/2016, Tập đoàn ô tô Volkswagen đã chấp nhận chi gần 15 tỷ USD để khắc phục hậu quả vụ bê bối gian lận khí thải khiến thế giới rúng động. Tuy nhiên, các cuộc điều tra về những gian lận của hãng thì chưa dừng lại ở đó.

Mới đây, ngày 6/11/2016, các công tố viên Đức đã mở rộng điều tra sang ông Hans Dieter Poetsch, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng sản xuất ô tô Volkswagen, liên quan đến cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán sau khi vụ bê bối khí thải bị phanh phui. Thông tin mở rộng điều tra đối với Chủ tịch Hans Dieter Poetsch được xem là đòn mới nhất giáng vào những nỗ lực của Volkswagen nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của mình.

Đọc thêm