Quảng cáo theo trào lưu: Con đường ngắn từ thiếu ý thức đến phạm luật

(PLO) - Sự việc Uber đứng trước nguy cơ bị xử phạt vì sử dụng cụm từ “Sài Gòn thất thủ” để quảng cáo là một bài học rõ ràng nhất cho các doanh nghiệp đang có những chiến lược thu hút sự chú ý bằng việc quảng cáo “ăn theo” trào lưu.
Một poster khuyến mãi “ăn theo” sự kiện “Không thể tin nổi”.

Ào ào quảng cáo theo trào lưu

Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã chứng tỏ sự nhạy bén của mình khi thường xuyên cập nhật những trào lưu đang gây bão dư luận và biến nó thành các chiêu trò quảng cáo để thu hút sự chú ý. Có một thời điểm, khi những cụm từ  như “đắng lòng”, “anh không đòi quà” trở thành từ đầu mối mang tính chế giễu của cộng đồng, nhiều cơ sở kinh doanh đã lập tức đưa nó vào “từ điển quảng cáo” của mình, thế là hàng loạt poster quảng cáo chứa những từ ngữ này ra đời.

Năm 2015, một trào lưu quảng cáo ăn theo phát ngôn của ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV ra đời. Xuất phát từ phát biểu nguyên văn “Thật tuyệt vời. Thật không thể tin nổi” của ông Quảng vào thời điểm họp báo ra mắt Bphone, câu nói này đã lan truyền rộng rãi khắp mạng xã hội, trở thành phát ngôn được “biến tấu”, truyền miệng nhiều nhất trong thời gian ấy.

Ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp vội vàng đưa câu nói này vào các chiến lược quảng cáo của mình để gây sự chú ý của cộng đồng. Hàng loạt cửa hàng quần áo, mỹ phẩm trưng bảng “thật không thể tin nổi” để minh họa cho những chiến lược giảm giá của mình.

Trên Fanpage vài công ty, trong đó có cả một công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam, “Thật tuyệt vời, thật không thể tin được” cũng trở thành cụm từ nóng hổi đập vào mắt người tiêu dùng cho chương trình giới thiệu sản phẩm giá ưu đãi.

Thậm chí, một hãng taxi còn lấy đây là từ khóa để khách hàng nhập mã tham gia chương trình khuyến mãi. Một số chuyên gia kinh tế còn đưa ra thống kê sơ bộ về hiệu quả tương tác mà từ này đem đến cho các chương trình quảng cáo của doanh nghiệp (!).

Thời điểm Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam lại ồ ạt trào lưu quảng cáo ăn theo sự kiện này. Hình ảnh Tổng thống Obama được lấy để làm cớ cho chương trình khuyến mãi của một loạt nhà hàng, quán nhậu. Vài tiệm rửa ảnh lấy liền trưng ảnh ông Obama làm minh họa, đến mức lên cả báo nước ngoài…

Thời điểm này, khi trò chơi Pokemon Go “làm mưa, làm gió” trong cộng động, thì trào lưu kinh doanh, quảng cáo ăn theo trò chơi này cũng trở nên nở rộ. Hãng Taxi Grap đã đưa Pokemon Go vào chương trình khuyến mãi “bắt Pokemon Go cùng Grap Taxi”. Một hãng giày ở Hà Nội còn tổ chức “thi Pokemon Go, rinh giày về nhà”. Khắp Sài Gòn, không quá khó để bắt gặp hình ảnh các cửa hàng ăn uống, kinh doanh cho nhân viên mang hình nộm Pokemon nhảy múa trước cửa hàng để hút khách.

Từ thiếu ý thức đến phạm luật

Trong khi ào ào chạy theo các trào lưu rầm rộ để quảng cáo, tăng lợi nhuận kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ quan hoặc thiếu ý thức đến mức vô tình vi phạm pháp luật mà không biết. Sự việc Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, những đơn vị kinh doanh trong nước đã “vô tư” sử dụng ảnh của ông Obama để quảng cáo mà không hề có sự cho phép. Một công ty đã bị yêu cầu hạ tấm poster cỡ lớn in ảnh ông Obama trước tòa nhà xuống vì khá phản cảm. 

Tương tự, trong trào lưu ồ ạt quảng cáo ăn theo hình ảnh Pokemon Go, nhiều doanh nghiệp đã vô tình vi phạm luật khi sử dụng trái phép hình ảnh Pokemon do nhà sản xuất game độc quyền sử dụng để kinh doanh kiếm lợi.  Mới đây nhất, cũng vì “ăn theo” trào lưu mà Uber Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xử phạt.

Sau thời điểm Sài Gòn mưa lớn suốt nhiều ngày gây ngập nặng, kẹt xe, thiệt hại…, cụm từ “Sài Gòn thất thủ” nhanh chóng xuất hiện và trở nên phổ biến trên mạng xã hội, trở thành cách ví von thường xuyên cho chuyện kẹt xe, ngập nước ở TP HCM. Ngay lập tức, Uber đã sử dụng cụm từ này để đưa vào chương trình quảng cáo của mình với thông điệp “Sài Gòn thất thủ nhưng Uber không thất thủ”.

Ngày 3/10, Cục Văn hóa cơ sở của Bộ VH-TT&DL vừa phát Công văn đề nghị thanh tra của 2 Sở Văn hóa -Thể thao Hà Nội và TP HCM kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo của Cty Uber Việt Nam.

Bởi theo Cục Quản lý cơ sở, cụm từ “Sài Gòn thất thủ” là cách mà báo chí phương Tây sử dụng để nói về sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, việc Uber sử dụng để quảng cáo là không phù hợp, dễ gây hiểu nhầm, suy diễn. Uber không phải là doanh nghiệp duy nhất dùng cụm từ bị cấm này để quảng cáo. Một trang bán hàng điện tử nổi tiếng tên Best Mua cũng “ăn theo” câu truyền miệng này để quảng cáo cho dịch vụ bán hàng trực tuyến của mình. 

Hy vọng, sự việc của Uber sẽ là bài học cảnh báo cho nhiều doanh nghiệp có thói quen quảng cáo kiểu “nhạy bén quá mức” như thế.

Đọc thêm