Quảng Nam: Chủ thầu vướng lao lý, dự án trường học “vạ lây”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự án xây các phòng học, phòng chức năng mới mang lại niềm vui cho giáo viên, học sinh, phụ huynh 3 Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, THCS Phan Châu Trinh và THCS Lê Quý Đôn ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Nhưng khi chủ thầu vướng vòng lao lý, công trình xây dựng dang dở rồi “đắp chiếu”, trường học càng ngột ngạt do thiếu phòng học.
Dự án trường học dang dở thời gian dài.
Dự án trường học dang dở thời gian dài.

Dự án trường học dang dở

Năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, UBND huyện Thăng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư xây thêm 12 phòng học, 7 phòng chức năng, 1 bếp ăn bán trú cho trường với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 6/2021, dự kiến tháng 1/2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bất ngờ, đầu năm 2022, công trình dừng thi công dù đã hoàn thành xong phần thô.

Theo ghi nhận của PV, công trình đã hoàn thiện khoảng 90%. Tường đã được tô, lót gạch nền; nhưng chưa sơn và lắp đặt cửa, thiết bị điện trong phòng. Sau thời gian ngừng thi công, trên tường của một số phòng học xuất hiện chi chít vết nứt dài.

Cô Lê Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường, cho biết, thời gian qua trường gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian biểu cho học sinh vì thiếu phòng học. Năm học 2022 - 2023, trường có 13 lớp với 409 học sinh, nhưng chỉ còn 7 phòng học bảo đảm cho việc dạy học. Vì vậy, trường buộc phải để lại điểm trường dạy 2 lớp (1 và 2) để giảm tải, dù theo lộ trình phát triển giáo dục sẽ xoá điểm trường này vào năm 2022.

Theo cô Nga, do phòng học thiếu, trong khi số lượng học sinh đông nên trường phải chia ca sáng và chiều giảng dạy. Mỗi ca các em học liên tục 5 tiết mà vẫn không bảo đảm số tiết quy định. Ngoài ra, trường không có phòng dạy chuyên môn, phần nào ảnh hưởng chất lượng học tập.

“Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, một tuần dạy được 32 tiết. Dù thầy trò nhà trường đã cố gắng tăng tiết nhưng vẫn không bảo đảm theo quy định. Thương nhất mấy bạn nhỏ mới bước vào lớp 1, 2 mà phải học liên tục 5 tiết/buổi như vậy rất áp lực và ảnh hưởng sức khỏe”, cô Nga cho hay, khi công trình hoàn thiện, trường sẽ cho học sinh học 2 buổi/ngày, thời gian còn lại cho sinh hoạt, vui chơi. Đồng thời, trường sẽ bố trí phòng bán trú và chuyển 2 lớp ở điểm trường về đây.

Tương tự, chung cảnh xây dựng dang dở, công trình phải “đắp chiếu” thời gian dài là Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Bình An).

Công trình với dãy 4 phòng học và 6 phòng chức năng, thực hành phục vụ nhu cầu dạy và học của nhà trường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ. Công trình khởi công đầu năm học 2021 - 2022, đến tháng 5/2022 bỏ dang dở đến nay. Quan sát, công trình đã xây xong phần thô, bên trong và phía trước các phòng học ngổn ngang gạch cát, thanh gỗ chằng chống. Chủ đầu tư dự án cũng rào chắn bằng tôn xung quanh công trình.

Thầy Võ Ngọc Sơn, Hiệu phó, cho hay, 19 phòng học của trường chỉ đủ để giảng dạy cho 738 học sinh nhưng số phòng chức năng để dạy thí nghiệm, thực hành các môn sinh học, hoá học… lại không có. Giáo viên chỉ dạy thực hành tại lớp, ảnh hưởng chất lượng học tập. “Việc sớm hoàn thiện công trình đưa vào phục vụ giảng dạy cho học sinh là rất cần thiết”, thầy Sơn nói.

Công trình 6 phòng làm việc và 1 hội trường trị giá gần 4 tỷ đồng của Trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Hà Lam) cũng lâm cảnh “đắp chiếu” suốt 17 tháng dù đã hoàn thiện hơn 90%. Hiện công trình này chưa được sơn tường, lắp đặt thiết bị điện, công trình vệ sinh

Thầy Hồ Quang Tiến, Hiệu trưởng thông tin, công trình chưa xong ảnh hưởng rất lớn đến công việc quản lý nhà trường. Dãy phòng chức năng phải di dời đến khu vực phòng học nên rất ồn ào. Nhiều đơn vị chuyên môn sử dụng chung 1 phòng làm việc chật hẹp, rất bất tiện, ví dụ, có khi phải dùng phòng dạy Tin học tổ chức một số cuộc họp.

Huyện sẽ kêu gọi nhà thầu mới

3 dự án trên đều do Cty CP Tư vấn & Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An thi công. Đầu năm 2022, ông Tô Văn Thanh (GĐ Cty, SN 1987, ngụ huyện Quế Sơn) và ông Trần Thanh Dũng (PGĐ Cty, SN 1987, ngụ huyện Thăng Bình) bị điều tra hành vi câu kết với ông Lê Hữu Vũ (SN 1988, GĐ BQL dự án huyện) có hành vi gian dối trong công tác đấu thầu công trình Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, các công trình do Cty này thi công phải dừng để điều tra.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo 3 trường đã nhiều lần kiến nghị Phòng GD&ĐT để sớm có cách xử lý, đẩy nhanh hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng.

Một số mảng tường ở Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh đã xuất hiện vết nứt.

Một số mảng tường ở Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh đã xuất hiện vết nứt.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lê Cao Lan xác nhận, 3 công trình là vật chứng của vụ án nên buộc phải dừng để điều tra, vụ việc đã xử xong. UBND huyện đang xác định lại các hạng mục công trình để thanh lý giai đoạn đầu. Đồng thời, tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị thi công mới để thi công trở lại nhằm sớm đưa các công trình này vào sử dụng.

Theo ông Lan, việc công trình chậm lại ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy và học của các trường. Phòng GD&ĐT đã nhiều lần kiến nghị và UBND huyện cho hay sẽ sớm cho đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, huyện cũng phải chờ kết quả xử lý vụ án của cơ quan tố tụng mới tính được bước tiếp theo.

Liên quan chủ thầu công trình trên, TAND Quảng Nam vừa đưa các bị cáo Dũng, Vũ, Thanh; Trần Ngọc Hùng, nhân viên Cty Đại Bình An; Nguyễn Văn Tài, GĐ Cty CP Xây dựng công trình Đại Lộc; Nguyễn Văn Vinh, nhân viên BQL Dự án - Quỹ đất TP Hội An ra xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bị cáo Phạm Văn Điểu, Giám đốc BQL Dự án - Quỹ đất Hội An bị xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Dũng bị cáo buộc là người quản lý, điều hành 3 DN đã “bắt tay” BQL Dự án - Đô thị huyện Thăng Bình và BQL Dự án - Quỹ đất Hội An thực hiện các thủ đoạn gian dối trong công tác đấu thầu.

Theo cáo trạng, tháng 2/2021, biết được thông tin huyện Thăng Bình phê duyệt công trình Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh với kinh phí hơn 7,2 tỉ đồng, Dũng liên hệ với Vũ xin cho Cty mình trúng thầu. Dũng, Vũ, Hùng, Tài và Thanh đã phối hợp, thống nhất, phân công công việc để Cty Đại Bình An được trúng thầu với giá dự thầu hơn 7,2 tỉ đồng, dù là đơn vị bỏ giá cao nhất.

Với công trình kè sinh thái Cẩm Kim tại Hội An, năm 2020, UBND Hội An phê duyệt với chi phí xây dựng gần 5 tỉ đồng. Nhận thấy việc BQL làm hồ sơ mời thầu sẽ không được thanh toán chi phí mời thầu nên Vinh nghĩ đến việc sử dụng 1 Cty lập hồ sơ khống để BQL thanh toán chi phí tư vấn mời thầu và Vinh “ôm” số tiền này. Thông qua Dũng, Vinh phối hợp với Tài lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu không đúng quy định.

Với dự án công trình Kè bảo vệ bờ và tái tạo bãi biển Cửa Đại (Hội An), trong quá trình thực hiện thủ tục chỉ định gói thầu, Vinh sử dụng pháp nhân của Cty Trường Phát do Dũng làm chủ, tự lập hồ sơ rồi đề xuất tờ trình cho Điểu đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, tham mưu cho Hội An quyết định phê duyệt kết quả chỉ định Cty Trường Phát làm tư vấn mời thầu…

Kết quả giám định thiệt hại về đầu thầu xác định thiệt hại của công trình Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh hơn 244 triệu đồng; Kè sinh thái Cẩm Kim hơn 213 triệu đồng; Kè bảo vệ bờ và tái tạo bãi biển Cửa Đại - Hội An hơn 121 triệu đồng.

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt Dũng 27 tháng tù, Vinh 24 tháng, Vũ 20 tháng, Hùng 18 tháng, Tài 15 tháng, Thanh 10 tháng 16 ngày tù; Điểu bị tuyên phạt 120 triệu đồng.

Đọc thêm