Cầu Tây An 1 và 2 bắc qua sông Chìm (huyện Duy Xuyên) là 2 công trình nằm trong dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên), kết nối Trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, QL1A, QL14H, do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư.
Tổng chiều dài 2 cây cầu hơn 4km, trong đó cầu Tây An 1 hơn 3km, cầu Tây An 2 gần 1km. Điểm đầu tuyến giao đường Lê Thiện Trị (thị trấn Nam Phước) đến điểm cuối tuyến đường ĐH7.DX, dẫn vào cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu Cty TNHH Thanh Tùng, Cty TNHH Xây dựng Thái Dương và Cty TNHH Xây dựng - dịch vụ Minh Khang thi công.
Dự án khởi công tháng 4/2020, dự kiến tháng 4/2023 sẽ đưa vào hoạt động. Đến nay, 2 cây cầu đã thi công xong các hạng mục chính, nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do thiếu đất đắp các bên mố cầu, đường dẫn.
Đang thu hoạch đậu phộng tại cánh đồng sát chân cầu, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1965, ngụ xã Duy Trung) cho biết, hai cây cầu đã xây dựng gần như hoàn chỉnh từ hơn năm nay, nhưng đường dẫn lên cầu vẫn chưa thấy thi công.
Máy móc “trùm mền” giữa công trường. |
Theo bà Hồng, việc cả hai cây cầu bị chậm đưa vào sử dụng là lãng phí: “Nhiều lần chứng kiến đơn vị thi công chở máy móc đến nhưng để không, rồi sau một thời gian lại chuyển đi, bà con rất bức xúc. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị về sự việc, mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp đưa cầu vào sử dụng, phục vụ nhân dân”.
Hiện tại, theo ghi nhận của PV, cầu Tây An 1 đã thi công hoàn thành phần thượng bộ và đường dẫn phía Tây cầu này chỉ chờ đắp đất, hoàn thiện bờ kè, mố cầu để kết nối trục đường ĐH7.DX. Tại Cầu Tây An 2, hệ thống lan can bảo vệ đã đúc xong và lắp đặt hoàn chỉnh, chỉ còn bó vỉa và đường dẫn lên cầu chưa thi công.
Lý giải 2 cây cầu đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Duy Xuyên (BQL) thông tin, nguyên nhân chính do không có đất đắp các bên mố cầu và đường dẫn.
Theo đại diện BQL, từ 2021 đến nay, hầu hết trên địa bàn huyện Duy Xuyên không còn mỏ đất nào hoạt động nên không tìm ra nguồn đất đắp để phục vụ công trình. Có một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm tiến độ, do hiện còn một số hộ gia đình, cá nhân chưa thống nhất nhận tiền hỗ trợ đền bù với lý do đơn giá bồi thường thấp.
“Việc thiếu đất như hiện nay là khó khăn chung của toàn tỉnh chứ không riêng gì huyện Duy Xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng. Hiện trên địa bàn huyện mới đấu thầu được 1 mỏ ở xã Duy Sơn và đang làm thủ tục. Hy vọng mỏ này được cấp phép sớm để lấy đất đắp cho các công trình. Riêng với cầu Tây An 1 và 2, địa phương cũng đang làm thủ tục xin cấp phép thêm 1 mỏ đất ở xã Duy Trung để phục vụ”, đại diện BQL nói.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm, để sớm có đất đắp cho cầu Tây An 1 và 2, huyện đang cho xúc tiến nhanh thủ tục để xin cấp phép mỏ đất trên địa bàn xã Duy Trung. Trước đây, theo dự toán sẽ lấy đất đắp ở mỏ xã Duy Trung, nhưng được một thời gian, mỏ này hết thời gian hoạt động, phải dừng để xin cấp phép lại. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục liên quan để được cấp mỏ khai thác làm vật liệu, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các hạng mục còn lại trên toàn tuyến nhằm kịp tiến độ như đã đề ra. Với các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, khẩn trương lập thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND tỉnh.