Quảng Nam: Lò bánh tổ xuyên đêm “đỏ lửa” phục vụ Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cận Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, nhiều lò bánh tổ ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tất bật, làm việc hết công suất để cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon cung ứng ra thị trường. Đây là một loại bánh truyền thống, được nhiều người dân dâng lên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết.
Các lò bánh tổ đỏ lửa xuyên suốt ngày đêm để kịp phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.
Các lò bánh tổ đỏ lửa xuyên suốt ngày đêm để kịp phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

Ở xứ Quảng, ngày Tết, dường như trên bàn thờ tổ tiên ông bà của các hộ gia đình đều bày cúng nhiều loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh chưng, bánh nổ, bánh in… Trong đó, chiếc bánh tổ là điều không thể thiếu để làm nên một mâm cúng ý nghĩa. Loại bánh truyền thống của xứ Quảng này luôn đắt hàng mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Theo truyền thuyết, ngày xưa, khi vua Quang Trung chuẩn bị tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, người dân xứ Quảng đã đã tìm tòi và khám phá ra công thức chế biến loại bánh này dâng lên đại quân làm lương thực đường xa.

Ưu điểm của loại bánh là giữ lâu mà không sợ bị hư, dù xuất hiện mốc vẫn có thể ăn được, chỉ cần gạt bỏ lớp mốc đi. Sau những ngày Tết, người xứ Quảng thường xắt lát bánh tổ, đem chiên rồi mới thưởng thức món ăn ngọt ngào này.

Những ngày này, tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), nhiều lò bánh tổ đã tất bật sản xuất, cho ra những mẻ bánh thơm ngon cung ứng thị trường dịp Tết.

Tại nhà ông Lê Phước Trực (54 tuổi, khu Nghĩa Hiệp), 6 chiếc lò bánh tổ đều trong tình trạng đỏ lửa suốt ngày đêm. Ông Trực, bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp đến tận chiều 30 Tết, nhu cầu mua bánh tổ tăng chóng mặt, đơn hàng cũng dồn dập nên ông phải huy động hết gia đình và kêu thêm một số người mới có thể làm kịp đơn.

“Những ngày cận tết, nhu cầu thị trường tăng mạnh, mỗi ngày cho ra gần 3000 bánh nên phải hoạt động hết công suất, bếp lúc nào cũng đỏ lửa để đủ số lượng bán giao cho các nơi. Tuy có bận rộn nhưng phấn khởi lắm”, ông Trực nói.

Theo ông Trực, chiếc bánh tổ được làm nên từ nguyên liệu vốn có của vùng quê Quảng Nam như nếp, đường bát, gừng, mè. Trong đó việc chọn lựa được hạt nếp ngon, dẻo, thơm là điều quan trọng để tạo nên một chiếc bánh tổ chất lượng. Bột nếp được xay và trộn với đường bát, gừng thật nhuyễn theo một tỷ lệ nhất định để cho ra hỗn hợp không quá đặc hoặc quá lỏng. Tiếp tục đổ ra khuôn và cho vào nồi hấp chín trong 4 tiếng.

“Người ta hay ví von chiếc bánh tổ nhìn như một tổ chim, vì bánh được đổ trong khuôn tre đan hình tròn, bên trong lót 2 lớp lá chuối. Khi hấp bánh thì lá chuối tươi chuyển sang màu xanh đen, giúp bánh tổ có hương thơm nhẹ nhàng. Đồng thời khi hấp bánh phải luôn giữ lửa to, đỏ đều để bánh tổ chín tới, không bị sượng”, ông Trực chia sẻ.

Được biết, gia đình ông Trực đã gắn bó với nghề làm bánh tổ đã 3 thế hệ. Là một trong những hộ hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm bánh tổ truyền thống trong dịp Tết. Năm nay, gia đình ông dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 chiếc bánh tổ phục vụ ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) và Tết cổ truyền. Thị trường tiêu thụ trong nội tỉnh Quảng Nam và cả ở các tỉnh, thành phố lớn: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai…

Bên cạnh những gia đình chuyên làm nghề bánh tổ thì nghề này cũng giúp cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập. Một chiếc bánh tổ được gia đình ông Trực giao cho mối 18.000 đồng và được rao bán lẻ trên thị trường từ 25.000 - 35.000 đồng.

Hiện ở Quảng Nam, số người theo nghề làm bánh tổ không còn nhiều vì bánh chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp Tết, mang tính thời vụ, thợ bánh khó sống và gắn bó được với nghề này. Chính vì thế, số người làm bánh tổ ở xứ Quảng hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

“Dẫu nghề còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng đỏ lửa nấu bánh tổ thường xuyên, góp phần gợi nhắc ý nghĩa cội nguồn những ngày Tết đoàn viên”, ông Trực chia sẻ

Đọc thêm