Quảng Nam muốn sâm Ngọc Linh nổi tiếng thế giới

(PLO) - Sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh được Chính phủ thông qua vào cuối năm 2015, giá sâm này tăng lên rất cao khiến người dân Nam Trà My thấy giấc mơ đổi đời gần hơn bao giờ hết… 
Với những công dụng diệu kỳ, Ngọc Linh được đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay. (Ảnh minh họa)
Với những công dụng diệu kỳ, Ngọc Linh được đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay. (Ảnh minh họa)

Tốc độ phát triển 900%

Nam Trà My là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Quảng Nam, độ cao trung bình khoảng 1000-1500m so với mực nước biển, có lượng mưa trải đều các tháng, cường độ chiếu sáng khá dồi dào, độ ẩm không khí cao, đất đai màu mỡ, đặc biệt tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là cây sâm Núi Ngọc Linh.  

Theo UBND huyện Nam Trà My, sau khi đề án được Chính phủ thông qua hiện đã có 6 doanh nghiệp (DN) đầu tư trồng sâm Núi Ngọc Linh, trong đó có 2 DN đã trồng, 4 DN đang thực hiện xác lập hồ sơ. Ngoài trồng sâm, một số DN khác thậm chí còn bày tỏ ý định xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Núi Ngọc Linh ngay tại “thủ phủ” của cây trồng giá trị này.   

Ngoài các DN, trên địa bàn Nam Trà My nhiều cá nhân, tập thể cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng sâm. Nếu như năm 2014, chỉ khoảng 110 hộ với 65 ha sâm được trồng tại xã Trà Linh thì đến nay, cây sâm đã có mặt tại 7 xã, diện tích lên tới 1200ha với sự tham gia 900 hộ trồng. 

Theo UBND huyện Nam Trà My, tốc độ phát triển đạt gần 900% cho thấy phong trào trồng sâm Núi Ngọc Linh trên địa bàn đang diễn ra rất mạnh mẽ. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Trước khi chưa có đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh đến năm 2030, giá cây sâm ở mức thấp, nhưng từ khi có đề án giá sản phẩm cây sâm tăng lên rất cao: giá cây sâm giống loại 1 (5 tuổi) từ 50 ngàn đồng tăng lên 150-180 ngàn đồng/cây; giá sâm các loại bình quân hiện từ 50-70 triệu đồng/kg; loại đặc giá lên tới 150-200 triệu đồng/kg. Ông Bửu tính toán, mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng. 

“Triển khai phát triển trồng sâm tại 7/10 xã nằm trong quy hoạch bước đầu cũng cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt trên 70%. Trại sâm giống Tắk Ngo ở xã Trà Linh đã được nâng diện tích gần 100 ha. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện đã tập trung nguồn vốn cho hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để trồng sâm. Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay lên đến hơn 50 tỷ đồng”- Chủ tịch Bửu nhấn mạnh. 

Muốn thành thương hiệu lớn

Không chỉ là cây trồng giúp “xóa đói, giảm nghèo”, sâm Núi Ngọc Linh đang ngày càng được xem là cây trồng chiến lược mang lại giá trị gia tăng cao, với tham vọng là biểu tượng không chỉ cho địa phương mà còn cho tầm quốc gia. 

Theo Chủ tịch Bửu, mới đây, huyện Nam Trà My đã “bắt tay” với quận HamYang, Hàn Quốc (địa phương nổi tiếng về trồng sâm núi có giá trị cao) để trao đổi, học tập kinh nghiệm và 2 bên tỏ rõ quyết tâm sẽ cùng đưa thương hiệu 2 loại sâm Ngọc Linh và Hàn Quốc nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, huyện này cũng bắt đầu có những xúc tiến với Canada, Mỹ, Nga và những nước có sâm quý trên thế giới với mong muốn có những hợp tác chặt chẽ về sâm.  

Tuy nhiên, để cây sâm Núi Ngọc Linh có thể phát triển theo đúng đề án được Chính phủ thông qua, địa phương này đề nghị TƯ cần sớm cho nâng cấp tuyến đường huyết mạch quốc lộ 40 B từ quốc lộ 1 lên huyện Nam Trà My. Đồng thời cho 2 tuyến đường vào vùng sâm quốc gia: tuyến đường từ quốc lộ 40B- Trà Linh và tuyến đường từ Trà Tập-Trà Linh, nâng cấp lên thành loại 5 miền núi.    

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết, hiện khâu giống cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng chưa được kiểm định mà chủ yếu người dân tự thu hoạch hạt làm giống nên rất khó đảm bảo chất lượng. Vì vậy, rất cần có một tổ chức chịu trách nhiệm tạo ra giống chuẩn với số lượng lớn, có kiểm định chất lượng chặt chẽ để bảo vệ thương hiệu sâm Núi Ngọc Linh về lâu dài. 

Ngoài ra, mặc dù là cây trồng có tác dụng to lớn với sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng tại Nghị định 32/2006/ĐN-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, cây sâm Ngọc Linh được xếp vào danh mục nhóm IIA, thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo UBND huyện Nam Trà My, quy định này không còn phù hợp và đề nghị Chính phủ xem xét đưa loại cây này ra khỏi danh mục của Nghị định để tạo điều kiện cây sâm có thể phát triển rộng rãi và trở thành một sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa. 

Loài sâm tốt nhất thế giới! 

Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1200 mét trở lên, được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Theo ghi nhận từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin (một chất giúp thanh lọc mạch máu và các cơ quan trong cơ thể), trong đó có 26 loại chưa được xác định. Chính yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 14 acid béo, 16 acid amin (trong đó có 8 acid amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa vi lượng. Ngọc Linh được đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay.

Đọc thêm