Quảng Nam: Nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 3,5 nghìn tỷ

(PLO) - Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công bố, tính đến ngày 31/12/2014, tỉnh này nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 3,5 nghìn tỷ, tăng hơn 1,1 nghìn tỷ năm 2013. 
Nhà khách tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh này quyết định chi 165 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nay đã đổi tên thành Khách sạn ven sông Bàn Thạch
Nhà khách tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh này quyết định chi 165 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nay đã đổi tên thành Khách sạn ven sông Bàn Thạch
Đầu tư dàn trải, nợ tràn lan
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII khai mạc sáng ngày 6/7, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2014, toàn tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) lên đến hơn 3,5 nghìn tỷ. 
Trong đó, riêng nợ đọng của khối tỉnh (ngành) chiếm đến hơn 1,7 nghìn tỷ, như: Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nợ hơn 993 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh tăng từ dự án cầu Cửa Đại; Sở Giao thông Vận tải nợ 325 tỷ đồng; Sở Giáo dục Đào tạo nợ 58,7 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nợ 49,6 tỷ đồng, Sở Y tế nợ 57,3 tỷ đồng; Sở Lao động Thương binh và Xã hội nợ 31,2 tỷ đồng…
Các huyện, thành phố của tỉnh này cũng không kém cạnh khi nợ đọng XDCB gần 1,8 nghìn tỷ. Trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nợ hơn 490 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương tự cân đối nợ hơn 1,1 nghìn tỷ và nguồn trái phiếu Chính phủ nợ hơn 170 tỷ đồng. 
Theo ông Đinh Văn Thu, “dẫn đầu” nợ đọng XDCB của các huyện, thành phố phải kể đến là TP.Hội An (271 tỷ đồng), TP.Tam Kỳ (211 tỷ đồng), huyện Tây Giang (150 tỷ đồng), thị xã Điện Bàn (120 tỷ đồng), huyện Nam Giang (108 tỷ đồng), huyện Nam Trà My (102 tỷ đồng)… Thấp nhất là huyện miền núi Đông Giang, con số nợ đọng XDCB cũng hơn 44 tỷ đồng.
Giải thích nguyên nhân nợ đọng XDCB năm sau tăng hơn năm trước hơn 1,1 nghìn tỷ, ông Đinh Văn Thu cho rằng: “Năm 2014 dự án cầu Cửa Đại đã vào giai đoạn hợp long và hoàn thành nhưng nguồn vốn mới được hỗ trợ từ ngân sách trung ương 1,7 nghìn tỷ (bao gồm trái phiếu Chính phủ), theo số liệu của chủ đầu tư báo cáo còn nợ các nhà thầu trên 700 tỷ đồng. 
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và quy định tại Luật Đầu tư công, chỉ bố trí vốn kế hoạch để thanh toán các khoản nợ đọng XDCB phát sinh trước thời điểm Luật có hiệu lực, do vậy việc xác định nợ đọng các địa phương và các ngành đến ngày 31/12/2014 là bắt buộc và có xác nhận khối lượng nghiệm thu giữa A-B, vì vậy các chủ đầu tư đã báo cáo kỹ hơn và nợ đọng có phần tăng hơn”. 
Lách “trần” phân cấp?
Về các giải pháp xử lý “núi nợ” này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  cho biết sẽ ưu tiên tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12 của năm trước kế hoạch nhưng chưa bố trí đủ vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã quyết toán, đã ứng trước vốn ngân sách và đã tạm ứng vốn tồn ngân Kho bạc Nhà nước để hoàn trả cho ngân sách theo quy định; các dự án dự kiến phải hoàn thành trong năm kế hoạch và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án…
Về nợ đọng XDCB gần 1,8 nghìn tỷ của các huyện, thành phố, ông Thu khẳng định: “Đối với các huyện, thành phố có số nợ đọng XDCB cao hơn ba lần trở lên so với nguồn vốn đầu tư XDCB được phân cấp thì không được bố trí cho các dự án khởi công mới. 
Ngoài các quy định chung, ngân sách các cấp chỉ xem xét bố trí bổ sung vốn cho các dự án đảm bảo các tiêu chí: có báo cáo giám sát đầu tư theo quy định, không có số dư tạm ứng chưa có khối lượng đến hạn phải thu hồi và chỉ bố trí vốn xây lắp khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng (ngoại trừ các chương trình, dự án theo tuyến”.
Năm 2015, tỉnh đã có kế hoạch bố trí vốn để trả nợ với số tiền hơn 1,3 nghìn tỷ. Trong đó, số tiền để thanh toán nợ đọng XDCB cho khối tỉnh, ngành hơn 507 tỷ đồng và huyện, thành phố hơn 844 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  thừa nhận việc phân cấp trong lĩnh vực đầu tư XDCB vẫn còn nhiều tồn tại. Đơn cử như việc các địa phương được quyền quyết định các dự án đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương dưới 10 tỷ đồng; đối với các dự án sử dụng 100% nguồn vốn tự huy động, nguồn vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất của ngân sách cấp huyện thì không giới hạn tổng mức đầu tư. 
Về quy định này, ông Thu cho biết có tình trạng phê duyệt các dự án có tổng mức sát với hạng mức phân cấp, đến khi điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên phải chuyển lại UBND tỉnh điều chỉnh, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách. 
Bên cạnh đó, chất lượng, nội dung hồ sơ dự án, lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định còn xảy ra. Việc phân bổ vốn đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung cho thanh toán nợ đọng, chưa chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư…

Đọc thêm