Quảng Nam nỗ lực đưa pháp luật đến với người nghèo

Quảng Nam hiện có 31 Câu lạc bộ TGPL với 242 thành viên. Các Câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ 180 đợt cho gần 3.700 người, giải quyết được 180 vụ việc.

Với đặc thù là các huyện miền núi, địa hình phức tạp, nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện đi lại rất khó khăn, điều kiện thời tiết và giao thông chưa thông suốt nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) tại 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, được sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và sự nhiệt tình của đội ngũ người thực hiện TGPL. Nhờ vậy, trong năm 2012, Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ.

Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động - ảnh minh họa
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động - ảnh minh họa

Thực hiện Kế hoạch TGPL lưu động tại 3 huyện nghèo, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức 15 đợt/31 xã với tổng số lượt người đến tham dự gần 2 nghìn người, giải quyết 557 vụ việc. Tại các đợt TGPL lưu động, Trung tâm đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến khái quát một số nội dung cơ bản của các chuyên đề pháp luật về TGPL, dân sự, đất đai… cho người dân.

Giám đốc Trung tâm Lê Văn Hương cho biết: Thực tế tại các huyện nghèo là các đối tượng biết đến TGPL và tìm đến dịch vụ pháp lý miễn phí này để tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp luật chiếm tỷ lệ rất thấp. Do vậy, trong thời gian tới cần gắn kết chặt chẽ hơn hoạt động TGPL lưu động với tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho đối tượng.

Bên cạnh đó, cần phát huy công tác truyền thông pháp luật thông qua Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện… để đưa tin, làm phóng sự về công tác TGPL. Qua các hình thức phổ biến pháp luật thực tế như vậy, đối tượng mới dễ dàng tiếp cận với pháp luật.

Quảng Nam hiện có 31 Câu lạc bộ TGPL với 242 thành viên. Các Câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ 180 đợt cho gần 3.700 người, giải quyết được 180 vụ việc.

Tuy nhiên, các Câu lạc bộ TGPL tại các huyện nghèo hiệu quả hoạt động chưa cao, do còn hạn chế về trình độ, các thành viên lại kiêm nhiệm công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên trong quá trình thực hiện chưa được đồng bộ, TGPL còn mang tính sự vụ.

Vì vậy, nhằm nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho thành viên Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ, đồng thời giúp thành viên các Câu lạc bộ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn cơ sở và nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ đạt chất lượng, Trung tâm đã mở 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ tại cả 3 huyện nghèo.

Ngoài ra, trong năm 2012, đã có 137 tổ hòa giải tiến hành sinh hoạt, thu hút hơn 5.500 lượt người tham dự, hòa giải được 551 vụ việc; hỗ trợ 1 viên chức tham gia bồi dưỡng khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý và 2 viên chức tham gia lớp học chuyên môn để nâng cao trình độ.

Trong năm 2013, để tiếp tục triển khai tốt Quyết định số 52, ông Hương kiến nghị phải tăng cường kinh phí dành cho công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và các văn bản pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác TGPL, “bởi kinh phí được hỗ trợ từ nguồn Quỹ TGPL Việt Nam của năm 2012 chủ yếu dành cho hoạt động TGPL lưu động”.

Ngoài ra, theo ông Hương, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về định mức chi phí đi lại trong trường hợp phải thuê phương tiện và đặc biệt phải đơn giản hóa các thủ tục thanh toán. “Cấp có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu trong kinh phí cấp cho hoạt động TGPL lưu động bao gồm cả chi phí bồi dưỡng cho người tham dự buổi trợ giúp lưu động” - ông Hương đề xuất./.

Song Thu

Đọc thêm