Cuộc chạy trốn 24 năm
Phạm Thị Sang (SN 1959, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nguyên là giáo viên mầm non. Trong khi nhiều người đang khao khát công việc giữ trẻ thì Sang nghỉ việc để chuyển qua buôn bán đường dài.
Năm 1993, Sang quen với anh Trần Văn Khánh (trú xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) rồi 2 người cùng nhau hùn vốn đi buôn gỗ. Được một thời gian, Sang và anh Khánh chung vốn sản xuất nước mắm tại Hương An. Để tiện việc sản xuất, kinh doanh, anh Khánh đưa Sang về nhà mình ăn ở, sinh hoạt.
Vì tin tưởng Sang nên mỗi khi đi ra ngoài, anh Khánh thường giao nhà cửa, chìa khóa xe cho Sang. Ngày 3/5/1994, chị Phúc - vợ anh Khánh sinh con nên anh Khánh túc trực ở bệnh viện với vợ con. Trước khi đi, anh Khánh nhờ Sang trông nhà và đưa xe máy BKS 81-633KY của mình cho Sang đi lại.
Lợi dụng việc này, Sang nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sang cuốn gói đồ đạc rồi điều khiển xe máy của anh Khánh bỏ trốn. Trước đó, biết chị Phúc có chơi hụi với một người hàng xóm tên Nguyễn Thị Thắng nên Sang đến nói với chị Thắng rằng chị Phúc nhờ mình hốt hụi để lo việc sinh đẻ. Vì thấy Sang thân thiết với gia đình anh Khánh nên chị Thắng tưởng thật và đăng hụi cho Sang, số tiền là 2,1 triệu đồng.
Sau khi lấy được tiền, Sang điều khiển xe máy 81-633KY của anh Khánh từ Hương An vào Tam Kỳ. Từ đây, Sang đón xe khách vào miền Nam, mang theo cả chiếc xe máy. Đến ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), Sang xuống xe và chạy xe máy lên TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Khi đi qua địa phận Đà Lạt khoảng 50 cây số, Sang thấy Trạm cảnh sát giao thông nên sợ họ sẽ phát hiện việc lừa đảo của mình qua biển số xe. Nghĩ thế nên Sang liền dừng xe lại bên đường, đi đến bụi rậm giả vờ tiểu tiện. Từ đây, Sang đi bộ ngược trở lại rồi đón xe về lại ngã ba Dầu Giây.
Tại ngã ba này, Sang đón xe khách đi Đắk Lắk. Ngồi trên xe, Sang làm quen với một người phụ nữ và hỏi người này nơi nào có nhu cầu thuê mướn lao động. Người phụ nữ hướng dẫn Sang đến xã Cư Né (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) để tìm việc làm và Sang đón xe đến đó.
Tại nơi ở mới, ai thuê gì Sang làm nấy, từ cuốc cỏ, mua bán cá đến cả lái xe ủi, xe múc. Sau thời gian lao động cực nhọc, Sang dành dụm được chút vốn và xây nhà, mua đất rẫy để sản xuất. Trước khi trốn nã, Sang có 2 con nhỏ và 2 người con này ở với cha kể từ khi Sang ly hôn. Sau khi vào Đắk Lắk, Sang kết hôn với một người đàn ông và chung sống với người này cho đến thời điểm bị bắt.
Để tránh bị công an phát hiện, Sang ít tiếp xúc với người lạ và luôn ý thức không vi phạm pháp luật để không phải bị mời đến cơ quan công an. Đến năm 2005, Sang làm lại CMND với cái tên là Nguyễn Thị Lan.
Hành trình tầm nã
Sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình anh Khánh, Công an huyện Quế Sơn vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Sang về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Vì Sang đã trốn khỏi địa phương nên ngày 23/6/1994, Công an huyện Quế Sơn phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Sang.
Vì Phạm Thị Sang không phải là người địa phương nên việc truy nã gặp nhiều khó khăn. Các trinh sát đã về xã Nhơn Mỹ - nơi Sang đăng ký thường trú cũng như quê nội, quê ngoại của đối tượng nhưng do Sang ít có mặt ở địa phương nên hầu như không ai biết gì nhiều về Sang.
Hàng loạt cái tên Phạm Thị Sang được các trinh sát sàng lọc, đối chiếu. Tuy nhiên, khi xác minh thì không đúng người bị truy nã. Trong khi đó, để lẩn trốn cơ quan chức năng, Sang đã thay tên đổi họ và đăng ký hộ khẩu, chứng minh dưới cái tên hoàn toàn xa lạ.
Dù không có một manh mối nào về Phạm Thị Sang nhưng các trinh sát vẫn không ngừng tìm kiếm. Hầu như tỉnh, thành nào trinh sát cũng đặt chân đến và thường xuyên liên lạc với công an các địa phương để sớm phát hiện Sang. Đến giữa tháng 4/2018, với sự phối hợp cùng Công an huyện Krông Búk, trinh sát định vị được Sang đang ở xã Cư Né và lên kế hoạch truy bắt.
Theo lời một trinh sát kể lại, hôm đó, Sang đi làm như thường lệ. Trinh sát đóng giả một người đang cần thuê máy ủi nên điện thoại cho Sang để gọi Sang về. Khi về đến nhà, thấy lực lượng công an, Sang biết thân phận mình đã bị lộ và ngoan ngoãn theo các trinh sát ra trụ sở công an làm việc.
Sáng ngày 30/4, chúng tôi trò chuyện với Sang khi người đàn bà trốn nã suốt 24 năm này vừa được các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Quảng Nam di lý về đất Quảng.
Sang kể, khi thấy lực lượng công an, Sang tự mở lời: "Cô hiểu tại sao các con đến đây rồi, cô sẽ không chạy trốn nữa đâu, cô sẽ về để trả nợ này". Sang còn tâm sự với chúng tôi: "Khi mới bỏ đi, tôi cũng muốn quay về nhưng lúc đó con còn nhỏ, sợ ở tù lâu năm thì không ai nuôi con. Tối ngủ, tôi thường mơ mình đang ở quê, rồi bị công an bắt.
Sau này, áp lực tâm lý cộng thêm công việc làm ăn, tôi không vượt qua được để ra đầu thú. Trốn truy nã khổ tâm lắm, cứ thấp thỏm lo âu, trong lòng không lúc nào yên. Ngày mẹ tôi khuất núi, tôi xót ruột lắm nhưng đâu có dám về thọ tang. Bị bắt như thế này cũng là tốt cho tôi, tôi biết, nợ thì phải trả...".