Quảng Nam: Tuyến đường 270 tỷ “nằm chờ” 120m dở dang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chỉ còn 120m nữa là dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển 129 - Võ Chí Công) đến ngã ba Cây Cốc (QL1A) qua huyện Thăng Bình (Quảng Nam) sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đơn vị thi công dự án chưa thể hoàn thành vì vướng 1 hộ dân.
Tuyến đường bị “tắc” do vướng mặt bằng 1 hộ dân.
Tuyến đường bị “tắc” do vướng mặt bằng 1 hộ dân.

Chỉ còn 120m dở dang

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1A với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng. Tuyến đường dài 8,3km, điểm đầu tại Km0+129 (đường ven biển 129 - Võ Chí Công) và điểm cuối tại Km972+200 QL1A (ngã ba Cây Cốc, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình); bề rộng nền đường 12m thuộc tuyến đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h.

Dự án do BQL dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm đại diện chủ đầu tư, quản lý dự án. Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đến QL1A, đường ven biển 129 - Võ Chí Công và khu tái định cư ven biển Bình Minh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển KTXH khu vực phía Đông của tỉnh. Tuyến đường khởi công năm 2016, dự kiến 31/12/2023 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Qua gần 7 năm, dự án cơ bản đã được thi công hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn 2 điểm tại thị trấn Hà Lam gặp vướng và chưa giải phóng mặt bằng (GPMB). Một đoạn gần 100m chưa được thảm nhựa, đá dăm lởm chởm, các “ổ gà, ổ vịt”, gờ đường rất dễ gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Một đoạn khác chừng 120m, nham nhở, bùn đất, đơn vị thi công chỉ mới san ủi mặt bằng, đổ đất đá. Do chưa thể làm nên tại đây đường còn nhỏ, có khúc cua cong, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông đơn vị thi công đã lắp đặt các biển cảnh báo tốc độ và nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Quốc (SN 1967, ngụ khối phố 9, thị trấn Hà Lam) cho biết, con đường trong tình trạng dang dở nên mùa nắng bụi bay mù mịt, mưa xuống nước đọng. Có những tuần xảy ra hai vụ tai nạn, nhiều trường hợp phải đi viện cấp cứu. Con đường này có thể gọi “độc đạo” vì dẫn ra QL1A nên lưu lượng xe cộ qua lại mỗi ngày rất lớn, nhưng lại còn một đoạn hơn 100m chưa được làm.

Đại diện BQL cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành 8,18km/8,30km toàn tuyến. Hiện dự án chỉ còn 120m đoạn qua thị trấn Hà Lam chưa thể thi công do một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và một đoạn ngắn chưa thảm nhựa do một hộ dân cản trở không cho thi công. “Đơn vị và chính quyền sẽ tiến hành bảo vệ thi công, nhưng chờ thực hiện cùng lúc khi giải phóng mặt bằng. Nếu có mặt bằng, đoạn đường chỉ thi công khoảng 2 tháng là xong”, đại diện BQL nói.

Huyện đã xin ý kiến UBND tỉnh

Về trường hợp hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, UBND huyện cho biết, dự án đã thu hồi 997,65m2 loại đất ở đô thị của gia đình này; đồng thời phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ số 2501/QĐ-UBND ngày 21/10/2022 với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng và đất tái định cư; nhưng gia đình không chấp thuận. Gia đình này đã ủy quyền cho 1 Cty luật gửi đơn khiếu nại cho rằng diện tích bồi thường chưa đủ, giá bồi thường thấp, yêu cầu bố trí thêm lô tái định cư và tính thêm nhân khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, bà Phan Thị Nhi, thông tin, ngoài 997,65m2 bị thu hồi, phần diện tích đất ở còn lại (ngoài vệt GPMB) theo sổ đỏ (cấp năm 2011) của gia đình trên là 493,35m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hà Lam giai đoạn đến 2020 và 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, mặt cắt quy hoạch tuyến đường nối từ đường cứu nạn, cứu hộ đến QL1A là 48m. Sau khi trừ khoảng lùi 3m, diện tích còn lại của gia đình khoảng 75m2 không bảo đảm để xây nhà ở.

Đồng thời, theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến 2035, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đường nối từ đường cứu nạn, cứu hộ đến QL1A có mặt cắt lộ giới 60m. Do đó, diện tích còn lại của hộ này cũng không bảo đảm để xây dựng nhà ở.

Theo bà Nhi, UBND tỉnh đã có quy định, trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để làm nhà ở; cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác; sẽ được bồi thường bằng đất ở theo hình thức giao đất ở tại các khu tái định cư hoặc các vị trí xen cư. Căn cứ vào nhân khẩu và số cặp vợ chồng, tại thời điểm trước khi ban hành Thông báo thu hồi đất ngày 10/10/2016 của UBND huyện, gia đình này có 8 nhân khẩu và 3 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất bị thu hồi.

Do dự án kéo dài, đến 2022 nhiều người trong gia đình đã di chuyển, tạm trú tại Đà Nẵng. Vì vậy, rất khó khăn trong việc xác nhận cặp vợ chồng thứ 2 trở lên thực tế cùng chung sống trên thửa đất bị thu hồi để thực hiện chính sách hỗ trợ.

“Để giải quyết vụ việc đúng theo quy định, UBND huyện đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành xem xét hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết”, bà Nhi nói.

Đọc thêm