Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi kiểm tra, làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo theo quy định (IUU) mới diễn ra ở địa phương này.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của ngư dân, sổ nhật ký khai thác, truy suất nguồn gốc thủy sản, hồ sơ xác nhận thủy sản để phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, đoàn kiểm tra Sổ danh bạ thuyền viên, nhật ký khai thác của các tàu QNg- 98278TS và QNg- 98789TS. Các tàu cá này đều thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, góp phần gỡ “thẻ vàng” cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra thực tế tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hoà. |
Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác đã làm việc với Ban quản lý cảng cá Tịnh Hòa và BĐBP Quảng Ngãi về công tác quản lý, kiểm soát tàu thuyền; việc thực thi các qui định pháp luật về thủ tục, hồ sơ hoạt động nghề cá, thiết bị giám sát hành trình, sổ danh bạ thuyền viên, nhật ký khai thác, cấp biên nhận bốc dở sản phẩm nhằm xác nhận nguồn gốc khai thác.
Sau đó, đoàn đã làm việc với tỉnh UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có hơn 4.290 tàu cá với tổng công suất gần 1,8 triệu CV. Trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (khai thác xa bờ) có trên 3.120 chiếc. Cơ cấu khai thác thủy sản chủ yếu gồm các nghề: lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu với lực lượng lao động khoảng 38.000 người. Sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng đầu năm 2023 gần 204.000, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh) đang sử dụng đã được UBND tỉnh công bố mở cảng và được Bộ NN-PTNT công bố cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại để cùng chung tay gỡ "thẻ vàng" của EC. |
Sau khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” vào năm 2017 thì đến năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và liên tục, thời gian qua, những bất cập trong hoạt động khai thác thủy sản mà EC chỉ ra đã được tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khắc phục khá hiệu quả, đi vào thực chất. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 100% tàu cá đã đăng ký, tỷ lệ tàu cá đã thực hiện đánh dấu tàu cá trên 97%. Tổng số tàu cá đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản đạt tỷ lệ 83,38%. Tỉ lệ tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tương đối khá với 99,1% tàu có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt”, ông Phương nói và thông tin rằng, Quảng Ngãi đã ngăn chặn khá triệt để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, một chuyển biến trong việc thay đổi nhận thức và hành động của các cơ quan và đối tượng thực hiện quy định chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, theo ông Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản của tỉnh cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định.
Theo đó, các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn hiện nay chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu neo đậu cho đội tàu của tỉnh. Cùng với đó, công trình cảng đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý, sử dụng công trình cảng gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hết hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm hỏi ngư dân tại cảng cá Tịnh Hòa. |
“Hàng năm bố trí kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình rất ít so với nhu cầu thực tế; luồng vào cảng và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn; diện tích mặt bằng quy hoạch tại các cảng cá để đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá rất hạn chế. Riêng cửa biển Sa Cần chưa có cảng cá nên tàu cá vùng khơi khu vực này phải vào các cảng cá chỉ định để lên cá theo quy định gây khó khăn cho hoạt động thủy sản của ngư dân và công tác quản lý của nhà nước”, ông Phương nói.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cũng thừa nhận, hiện nay công tác quản lý tàu cá chưa trên địa bàn chưa được chặt chẽ. Trước đây một số tàu cá phát triển không theo quy định, không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản phát sinh nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương siết chặt quản lý tàu cá ngoài tỉnh, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện một số cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn; xem xét sửa đổi, bổ sung quy định để các tháo gỡ các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá đối với số tàu cá nhỏ phát triển tự phát nhiều năm qua chưa đăng ký, để đảm bảo 100% tàu cá đang hoạt động có giấy phép khai thác thủy sản.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tàu của ngư dân Quảng Ngãi. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận kết quả công tác chống khai thác IUU của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, phần quản lý, giám sát tàu cá của tỉnh còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là những tàu đi ngoại tỉnh khai thác thì sự phối hợp giữa Quảng Ngãi và các tỉnh chưa thực hiện chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến các tàu đến các bãi ngang về bến cá gia đình còn tương đối nhiều, sản lượng giảm, hạn chế việc truy suất nguồn gốc...
“Để gỡ “thẻ vàng”, những tồn tại trên còn phải tiến hành khắc phục một cách nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn, sát thực tiễn hơn. Theo lịch EC sang thanh tra lần thứ 4 từ ngày 11-18/10, Quảng Ngãi có lợi thế là không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặc dù vậy, tới đây, Quảng Ngãi cần quản lý chặt chẽ đội tàu, sản lượng khai thác như yêu cầu của EC thanh tra lần thứ 3 đặt ra. Ngoài ra, địa phương cần xử lý vi phạm hành chính đúng theo quy định của Nghị định 42 đã ban hành thì mới có ngành thủy sản bền vững. Giải quyết vấn đề IUU cũng là giải quyết ngành thủy sản phát triển bền vững, lâu dài, hội nhập khu vực quốc tế đúng với tinh thần của Luật Thủy sản 2017”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.