Quảng Ngãi làm gì để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và đa dạng?

(PLVN) - Tỉnh Quảng Ngãi xác định, phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.

Chiều 5/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững Quảng Ngãi theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng”.

Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 đã xác định mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo.

Tương tự, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023, đưa ra tầm nhìn phát triển Quảng Ngãi theo hướng xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2030.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy khẳng định: "Tỉnh Quảng Ngãi không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau. Đồng thời, không tăng trưởng bằng mọi giá để đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội. Quảng Ngãi đã, đang chủ động, tích cực và mong muốn tham gia ngày càng hiệu quả vào cuộc thay đổi xanh, tạo ra sự phát triển bền vững mà tất cả chúng ta cùng thụ hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hội thảo diễn ra trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị và ý thức trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế tập trung trao đổi về các cơ chế, chính sách liên quan; đề xuất các giải pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, chia sẻ các giải pháp khoa học, công nghệ, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, áp dụng mô hình phát triển bền vững.

Theo tài liệu được chia sẻ tại Hội thảo, định hướng phát triển kinh tế xanh tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 thể hiện: đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành một trung tâm công nghiệp (lọc hóa dầu và luyện kim là hai ngành chủ lực); Các ngành công nghiệp xanh, công nghệ cao phát triển tại các khu công nghiệp tập trung; Xây dựng thương hiệu dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là du lịch; Mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, và tuần hoàn; Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh và tiếp tục triển khai chương trình nông thôn mới.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế tham dự.

Đến năm 2050, Quảng Ngãi trở thành một tỉnh phát triển bền vững với các ngành công nghiệp xanh. Mũi nhọn và ưu thế là công nghệ cao, dịch vụ tiên tiến và nông nghiệp sạch, hữu cơ; Đồng bộ cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh hiện đại và hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới; Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đặc biệt trong các lĩnh vực dược liệu và nông nghiệp công nghệ cao; Bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa, nâng cao an sinh xã hội và quốc phòng-an ninh.

Để phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững, Hội thảo đã chỉ ra, Quảng Ngãi cần tập trung vào định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế.

Cụ thể, chính sách mạnh mẽ với trọng tâm là năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, trong đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời; thu hút đầu tư để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là đảo Lý Sơn; tập trung vào xây dựng hệ sinh thái hydro sạch; phát triển công nghệ mới, giảm thiểu khí thải carbon.

Về nền kinh tế xanh - Xanh hóa các ngành kinh tế, là khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp; chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải; thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình kinh tế tuần hoàn là khuyến khích các ngành công nghiệp tái chế chất thải, sử dụng công nghệ sạch, và phát triển sản phẩm sinh thái để giảm thiểu ô nhiễm; chia sẻ tài nguyên và năng lượng – tạo ra chuỗi giá trị khép kín giữa các ngành.

Mô hình kinh tế cộng sinh là kết nối công nghiệp với nông nghiệp – tái sử dụng và tạo ra giá trị gia tăng từ chất thải nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về những lợi ích của mô hình.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên; Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu

Chiến lược phát triển xanh cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh trình bày tham luận tại hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh nhìn nhận, để phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững, cần tập trung vào các định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế.

Để thực hiện điều đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Võ Xuân Vinh cho rằng, Quảng Ngãi cần triển khai các chính sách mạnh mẽ để phát triển bền vững, với trọng tâm là năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh và bảo vệ môi trường.

Quảng Ngãi định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải và ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động; phát triển bền vững bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế cộng sinh. Đồng thời, Quảng Ngãi chú trọng quản lý chất thải và nước thải, đầu tư xây dựng các công trình xanh để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đọc thêm