Quảng Ngãi tập trung chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi

(PLVN) - Thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ngãi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương.
Bản làng ở huyện Sơn Tây, một trong những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi.
Bản làng ở huyện Sơn Tây, một trong những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi.

Ngày 20/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá. 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống. Và 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp thông tin về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai qua môi trường mạng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhấn nút phát động phong trào chuyển đổi số năm 2023.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhấn nút phát động phong trào chuyển đổi số năm 2023.

Bên cạnh đó, địa phương phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh…); thiết lập và công bố các dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân. Các cơ quan thường trực chương trình cấp tỉnh, UBND các huyện thực hiện chương trình được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc kế hoạch được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.

Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, Quảng Ngãi đề ra các giải pháp thực hiện như: tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai chương trình và người dân; thể chế số; tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai chương trình.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp hoặc thuê dịch vụ hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại cơ quan quản lý chương trình ở các cấp để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số trong quản lý chương trình; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Mục tiêu chung là nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai chương trình; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức, quản lý, tổ chức chương trình từ Trung ương đến địa phương.

Quảng Ngãi đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số.

Quảng Ngãi đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và một số huyện đồng bằng với diện tích tự nhiên chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trong các năm 2022- 2023, địa phương được phân bổ hơn 1.070 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quảng Ngãi xác định, chuyển đổi số là giải pháp, động lực để địa phương có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, TP khác. Địa phương này cũng là 1 trong những tỉnh đã thành lập được 100% tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, xóm. Nếu như cuối năm 2022, tỉnh gần như “trắng” dịch vụ công trực tuyến cấp xã thì đến khoảng giữa năm 2023 dịch vụ công trực tuyến ở xã phần lớn trên 50%, có xã trên 80%.

Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số quốc gia - DTI năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 26/63 tỉnh, TP trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021 và là tỉnh có tốc độ tăng hạng cao nhất trong cả nước. Với mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, từ ngày 28/9- 2/10/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 với chủ đề “Dữ liệu số và Liên kết vùng trong chuyển đổi số”.

Đọc thêm