Quảng Ninh giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực chất lượng cao

(PLVN) - Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã diễn ra với phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, sự quan tâm của nhân dân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã giải trình rõ các nội dung mà cử tri, người dân quan tâm.
Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, chất vấn việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên đặt câu hỏi: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là việc đầu ra nghề nghiệp bền vững cho lao động nông thôn, đề nghị lãnh đạo Sở LĐTB&XH làm rõ những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.

Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hoài Sơn cho biết, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mởi được 438 lớp đào tạo nghề, trong đó có 192 lớp nông nghiệp, 246 lớp phi nông nghiệp với số lao động được đào tạo cho 12.533 lao động. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hoài Sơn giải trình trước HĐND tỉnh về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng từ 73% vào năm 2015 lên 80%, dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 85% với tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 43%. Số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 10.400 người, bằng 83,4% so với lao động được hỗ trợ đào tạo. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo và trên 2.000 hộ khá giả.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở thẳng thắn thừa nhận công tác này thời gian qua cũng còn một số những tồn tại hạn chế. Đơn cử như công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa cao; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng.

Tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính bền vững việc làm sau đào tạo nghề chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, thì cũng còn một số hạn chế khác như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn ít, doanh nghiệp hầu hết chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng theo nhu cầu, chưa thực hiện được việc đặt hàng đào tạo lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Giám đốc Sở Sở LĐTB&XH khẳng định, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa đến nội dung này.

Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tập trung nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác đào tạo nghề, gắn nhiệm vụ này với phát triển KT-XH. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là lao động nông thôn.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cũng được ông Nguyễn Hoài Sơn nhấn mạnh, sẽ xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đào tạo nghề. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo nghề và chuẩn bị tham mưu cho tỉnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo để bước vào giai đoạn mới được tốt hơn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Thu Hà, Tổ đại biểu Hạ Long về việc triển khai thác sử dụng vật chất của các trung tâm dạy nghề cấp huyện và các trường cao đẳng nghề đã được đầu tư và giải pháp nào để khai thác hiệu quả hoạt động của các trường nghề đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hoài Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Ngoài một số trường cao đẳng đã thực hiện tự chủ, cơ bản đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác đào nghề thì hạn chế nhất hiện nay là Trường Cao đẳng Việt Hàn dù được quan tâm đầu tư nhưng việc tuyển sinh đào tạo nghề trọng điểm gặp nhiều khó khăn.

Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, hiện có 2 trung tâm ở Đông Triều và Vân Đồn hiệu quả rất thấp, hoạt động kém hiệu quả do thiết bị đào tạo chưa đầy đủ, thiếu giáo viên dạy nghề và thiếu sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Để khai thác hiệu quả các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trường cao đẳng nghề, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay thì trách nhiệm hàng đầu thuộc về các địa phương dành sự quan tâm thích đáng cho công tác đào tạo nghề của các trường. Cùng với đó, các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tăng cường giáo viên dạy nghề, có cơ chế quản lý phù hợp để phát huy hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Uông Bí đề nghị Sở giáo dục đào tạo (GD&ĐT) cho biết về công tác phân luồng và GD&ĐT nghề cho học sinh trong thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy cho biết: Thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT đã tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, phân luồng cho học sinh.

Từ năm 2015 trở lại đây, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được chuyển sang Sở LĐTB&XH. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh, Sở chỉ tập trung triển khai việc phân luồng cho học sinh.

Xác định đây là nội dung rất quan trọng có tác động lớn đến xã hội, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và phân luồng cho học sinh, đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, 100% trường THPT đã xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, công tác phân luồng.

Đặc biệt, nhiều năm Sở GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hướng nghiệp gắn ngành nghề kinh doanh trên địa bàn; dành 30% chỉ tiêu học sinh tốt nghiêp THCS để tạo nguồn cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỷ lệ phân luồng được nâng lên rõ rệt.

Nếu như năm học 2010-2011 tỷ lệ phân luồng chỉ đạt 13,9% thì đến năm 2019-2020 có 22,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS đã chuyển sang học nghề, tăng gần 9%, cao hơn một số địa phương lân cận như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương.

Số học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký các trường đại học của tỉnh giảm, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Điều này thể hiện rõ định hướng giáo dục nghề nghiệp và phân luồng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, như đại biểu Đặng Văn Tuấn và Đỗ Thị Ninh Hường thì tỷ lệ học sinh phân luồng còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng tiếp tục chỉ  đạo công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở, cha mẹ học sinh về vai trò công tác huấn luyện và phân luồng cho học sinh; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đổi mới chương trình đào tạo làm công tác tư vấn huấn luyện trong nhà trường; phối hợp các sở, ngành, địa phương thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động để có định hướng phù hợp; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chính sách phân luồng, chính sách giáo dục nghề nghiệp.

Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm nội dung đào tạo lao động, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, cho rằng: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đột phá quan trọng. Trong số 85% đã qua đào tạo nghề, có 45% có chứng chỉ, bằng cấp. Đây là tỷ lệ rất cao so với cả nước cả chứng chỉ nghề và đào tạo bằng cấp, bởi cả nước mới có 23% và đang phấn đấu lên 25%.

  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm nội dung đào tạo lao động.

Hiện cơ cấu lao động tỉnh, lao động nông thôn chiếm 23,8% - là một tỷ lệ rất cao. Trong 5 năm qua, số lao động được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp chỉ có 8,9%. Đây là con số rất đáng quan tâm. Bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã trên 10%. Điều này đặt cho chúng ta những vấn đề về: Đào tạo sơ cấp, đào tạo ngắn ngày, đào tạo làm sao phải gắn với nhu cầu thực tiễn, đầu ra của nguồn lao động.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp, chủ tọa yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua, gắn với một số nghị quyết liên quan của HĐND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 220 về các danh mục nghề được khuyến khích, ưu đãi. Xem mức độ phù hợp thế nào để xem xét, đề xuất nghị quyết, cơ chế, chính sách phù hợp.

Chỉ đạo UBND thị xã, thành phố, đánh giá toàn diện lại mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện, xem chất lượng đầu ra thế nào. Nếu không đảm bảo chất lượng cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tọa kỳ họp cũng nêu ra nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong định hướng nghề nghiệp, phân luồng. Sở LĐ,TB&XH chịu trách nhiệm tham mưu tổng thể, toàn diện lĩnh vực đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, quản lý nhà nước về lao động.

Sở NN&PTNT, Ban Xây dựng NTM có khảo sát đánh giá kỹ hơn về cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lao động. Chủ tịch, Bí thư các địa phương gắn trách nhiệm trực tiếp của mình liên quan với nhu cầu của người dân, người học. Đồng thời, nâng cao vao trò của truyền thông để người dân, phụ huynh, học sinh thay đổi nhận thức, hiểu rõ, đầy đủ về việc học nghề, định hướng, phát triển nghề nghiệp.

Đọc thêm