Cứu vớt rau tết sau mưa rét
Xã Triệu Đông là vùng trồng rau xanh truyền thống lớn nhất tỉnh Quảng Trị, mặc dù rau màu được trồng quanh năm, tuy nhiên, trồng rau tết vẫn là vụ mùa chính và được bắt đầu từ trung tuần tháng 9 Âm lịch kéo dài ra giêng, hai.
So với những năm trước thì thời tiết năm nay ở Quảng Trị khắc nghiệt hơn rất nhiều, khi mưa rét kéo dài liên tục suốt 2 tháng qua đã khiến việc trồng trọt của bà con bị ngưng trệ, nhiều diện tích cây trồng bị hư hại hoàn toàn.
Thế nhưng, trước sự hà khắc của thiên nhiên, hàng trăm hộ dân trồng rau màu ở xã Triệu Đông vẫn kiên trì chăm sóc số rau còn sống, rồi cần mẫn cuốc xới lại những luống đất trồng cây rau đã chết để gieo trồng lại vựa rau mới, mong kịp xuất bán cho dịp Tết Nguyên đán.
Hiện cả xã có khoảng 25 héc ta rau màu trên tổng số 125 héc ta diện tích đất canh tác của địa phương, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Nại Cửu với diện tích 18 héc ta. Trung bình mỗi héc ta rau sẽ cho nguồn thu khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ Tết năm nay thì mưa rét đã khiến hơn phân nửa diện tích rau màu này gần như mất trắng.
Có mặt tại Cồn Mẫn (thôn Nại Cửu) – một trong những khu trồng rau quanh năm, được địa phương quy hoạch thành nơi chuyên canh rau an toàn của xã, ngay từ sáng sớm những người dân tay xách nách mang cuốc, rổ hối hả ra đồng để cuốc đất, nhặt cỏ, lên luống, bỏ phân để gieo trồng lại những giống rau xanh “chạy Tết”, rồi ủ rơm, cấy tỉa lại số rau còn sống, mong vớt vát lại phần nào chi phí.
Đang nhổ cỏ dại trên luống rau xà lách, bà Trần Thị Liễu (SN 1966, ở thôn Nại Cửu) cho biết, thông thường rau màu chỉ cần 1 tháng sau khi xuống vụ là đã có thể nhổ bán, nhưng đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa cho thu hoạch được. Từ bữa vào mùa đến giờ gia đình bà chỉ trồng được các loại rau ngắn ngày như cải, ngò, xà lách, tần ô... nên chỉ bán được vài ba triệu đồng, so với năm trước thì không nhằm nhò gì. Vì thế tranh thủ tiết trời đang nắng ấm trở lại, bà Liễu phải tạm gác những công việc ở nhà, dành thời gian ra đồng chăm bẵm cẩn thận luống rau mong sinh trưởng kịp thời bán Tết.
Còn với gia đình bà Trần Thị Bê (SN 1935, trú tại thôn Nại Cửu) tuy cũng mất trắng một sào dưa leo, nhưng nhờ tích lũy được các kinh nghiệm riêng để tránh rét cho cây rau nên so với những hộ trồng rau khác thì rau vườn nhà bà Bê đã hạn chế được phần nào tình trạng cây bị chết.
“Vụ Tết năm nay, nhà tôi đầu tư gần 1 triệu đồng tiền giống cho 1 sào rau và 1 sào dưa leo. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi nên sào dưa đến lúc ra hoa kết trái thì chết sạch, chỉ còn hy vọng ở sào rau này. Những ngày qua, trước tình hình “khát rau xanh” rất nhiều tiểu thương ở các khu chợ trong tỉnh tìm đến mua rau, tuy nhiên chắc phải tầm 20 tháng Chạp chúng tôi mới có rau bán. Nếu như thuận trời số rau này sẽ cho nguồn thu khoảng 5 đến 7 triệu đồng, trang trải bớt phần nào việc sắm Tết, đón xuân” – bà Bê nói.
Mong tìm đầu ra “bền vững”
Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho hay, nghề trồng rau ở địa phương bắt đầu vào những năm cuối thập niên 80, thế kỷ XX. Lúc đầu chỉ có vài hộ với quy mô nhỏ, lẻ thế nhưng thấy việc trồng rau màu cho kết quả khả thi nên nhiều hộ gia đình đã cải tạo vườn tược, tận dụng đất màu để trồng rau.
Đến nay, toàn xã có gần 150 hộ chuyên canh rau, trong đó thôn Nại Cửu chiếm hơn phân nửa. Nghề trồng rau đã góp phần rất lớn trong việc giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đầy đủ và giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động của địa phương.
Năm nay tiết trời không chiều lòng người, đã gây khó khăn cho bà con trong quá trình canh tác sản xuất và làm mất đi 80% tổng thu nhập. Trong khi giá rau xanh trên địa bàn tỉnh đang tăng cao nhưng nông dân ở đây cũng không có đủ rau để bán.
“Hiện xã đã quy hoạch thêm các khu đất chuyển sang chuyên canh rau màu. Tuy nhiên, với trở ngại về thời tiết đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, chất lượng rau quả. Điều nan giải này khiến chính quyền cũng như người dân rất trăn trở. Về lâu dài, địa phương mong các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ để bà con phần nào chủ động phòng tránh thiên tai, sâu bệnh cho cây trồng cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bởi lượng rau ở đây lâu nay tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên rất bấp bênh” – Chủ tịch UBND xã Triệu Đông trình bày.