Quảng Trị: Ưu tiên triển khai cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn đề đất ở, đất sản xuất trong vùng dân tộc thiểu số sẽ được tỉnh Quảng Trị ưu tiên xử lý, đảm bảo cho bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống.
Người dân nỗ lực làm giàu từ nguồn quỹ đất được chính quyền giao.
Người dân nỗ lực làm giàu từ nguồn quỹ đất được chính quyền giao.

Vấn đề "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó DTTS gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.

Thiếu đất ở, đất sản xuất, từ lâu đã trở thành vấn đề cấp bách đối với đồng bào DTTS và người dân vùng miền núi. Xác định tầm quan trọng của đất ở và đất sản xuất, đã đưa vấn đề này lên đầu tiên. Trong quá trình thực hiện, Quảng Trị cũng ưu tiên triển khai sớm, triển khai nhanh nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở 2 huyện này đã thoát nghèo.

Cấp đất ở, đất sản xuất là động lực quan trọng trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cấp đất ở, đất sản xuất là động lực quan trọng trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại huyện biên giới Hướng Hóa, thực hiện Nghị Định 28/2022/NĐ-CP về "Chính sách tín dụng ưu đãi" và các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị Định 28/2022/NĐ-CP của tỉnh Quảng Trị, ngày 26/9/2022 UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND Phê duyệt danh sách các hộ gia đình thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán và tín dụng ưu đãi.

Cụ thể, trong năm 2022, toàn huyện có 78 hộ được hỗ trợ đất ở, 156 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Năm 2023, do được phân bổ nguồn vốn sớm hơn nên ngày 10/5/2023, UBND huyện Hướng Hóa đã có Quyết định số 1453/QĐ-UBND phê duyệt 66 hộ được hỗ trợ đất ở, 97 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Như vậy, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 153 hộ được hỗ trợ đất ở; 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Gia đình anh Hồ Văn Dân ở thôn Trằm Cheng, xã Hướng Lộc (Hướng Hóa), trước đây, do thiếu đất sản xuất để canh tác nên gia đình anh luôn thiếu thốn về lương thực. Khi biết gia đình được hỗ trợ 1ha đất sản xuất, anh Dân vui mừng chia sẻ: Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều bà con ở đây đều rất phấn khởi khi được hỗ trợ đất sản xuất; khi được giao đất, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi để cuộc sống tốt hơn.

Cùng với tập trung giải quyết tình trạng đất sản xuất, thì đất ở cũng là vấn đề mà huyện Hướng Hoá đặc biệt quan tâm.

Chị Hồ Thị Dơn (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) vươn lên làm giàu trên diện tích đất được giao.

Chị Hồ Thị Dơn (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) vươn lên làm giàu trên diện tích đất được giao.

Gia đình chị Hồ Thị Dơn (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) được cấp 3ha đất sản xuất. Có đất sản xuất, các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, trồng ngô, trồng sắn và trồng lúa rẫy. Ngoài được cấp đất sản xuất, thửa đất làm nhà của gia đình chị Dơn cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào làm chuồng trại nuôi thêm dê, bò. Từ 5 con dê giống, đến nay gia đình chị đã có đàn dê 25 con. Thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên thửa đất được cấp, gia đình chị Dơn trở thành hộ khá với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Phần đất được trồng cà phê và rừng sản xuất của anh Hồ Văn Việt, ở thôn Trằm, xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) hiện tại đã hoàn thành xong phần đo đạc địa chính theo đúng quy phạm kỹ thuật và thực tế; được định rõ diện tích đất ở, đất sản xuất cho cá nhân để chuẩn bị cấp quyền sử dụng trong năm nay. Anh Hồ Văn Việt cho biết: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều bà con ở đây đều rất phấn khởi khi được huyện cấp giấy CNQSD đất miễn phí. Từ nay, bà con có động lực để xây dựng nhà cửa và đầu tư sản xuất có hiệu quả hơn, nhờ đó cuộc sống cũng sẽ ổn định hơn”.

Không chỉ Hướng Hóa, ĐaKrông cũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tại huyện Đakrông, trong 2 năm 2022 và 2023, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở được cấp là 7,6 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn đối với địa phương trong việc hỗ trợ để đồng bào được an cư.

Tính riêng năm 2023, toàn huyện Đakrông đã có 233 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở. Riêng đối với đất sản xuất, hiện các ban, ngành đang hoàn thiện khâu cuối cùng, để trình UBND huyện Đakrông ký quyết định phê duyệt số hộ được thụ hưởng.

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đi kiểm tra xây dựng nhà ở tại huyện Đakrông.

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đi kiểm tra xây dựng nhà ở tại huyện Đakrông.

Gia đình anh Hồ Cu Đen ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông thuộc diện hộ nghèo. Do không có đất để làm nhà nên cả gia đình 3 người (vợ chồng anh Đen và 1 đứa con) đang phải sống nhờ ở gia đình bố mẹ. Nay biết tin mình được hỗ trợ đất ở, anh Đen vô cùng phấn khởi.

Hiện thủ tục hỗ trợ đất ở cho gia đình anh Hồ Văn Đen cũng như các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của huyện, đã được triển khai đến bước đo vẽ sơ đồ thửa đất. Khi xong các thủ tục, chính quyền địa phương sẽ giải ngân hỗ trợ. Bên cạnh đó, các thửa đất thụ hưởng chính sách cũng như được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật.

Được cấp giấy CNQSD đất, đồng bào tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Được cấp giấy CNQSD đất, đồng bào tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất (ĐSX) cho đồng bào DTTS đã có những đóng góp tích cực như, bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo, đồng bào DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); bảo đảm ổn định xã hội, tạo sự công bằng và bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Lệ Hà cho biết: Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Chương trình được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Qua đó, hàng trăm hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất sẽ sớm được cấp đất. Cùng với nhiều dự án khác trong Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai đồng bộ sẽ là động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện.

Đọc thêm