Quay cuồng 'cân não' trong cơn lốc tuyển sinh năm 'vàng'

(PLO) - Suốt tuần qua, tại Hà Nội, cơn sốt tuyển sinh đầu cấp càng nóng bỏng bởi năm nay ở cả ba cấp học đều tăng 'dân số' cơ học do “năm đẹp” (Dê Vàng, Heo Vàng, Rồng Vàng). Dưới cái nóng hơn 40 độ C, phụ huynh và học sinh đều mướt mải với các “đòn cân não” trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là tại các trường ngoài công lập...
Phụ huynh vật vã với các kì tuyển sinh đầu cấp cho con.  (Ảnh minh họa)
Phụ huynh vật vã với các kì tuyển sinh đầu cấp cho con. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh khóc ròng vì “cuộc chiến” rút - nộp hồ sơ

Có lẽ chưa có năm nào, phụ huynh có con thi lớp 10 lại vất vả như năm nay. Theo thống kê của Sở GD&ĐT trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 của gần 100.000 thí sinh, đã có gần 32.000 em trượt công lập. Các “heo vàng” và phụ huynh phải giải bài toán chọn trường công hay trường tư, dân lập hay dạy nghề. Nhưng ngay cả khi đã có điểm thi, điểm chuẩn thì những  “đòn cân não” cũng bắt đầu. Bởi trường ngoài công lập hiện chia làm nhiều hạng. Có những trường chất lượng cao thì học phí cũng rất cao, ngoài khả năng chi trả của những gia đình thu nhập trung bình. Ngược lại, có những trường học phí ở mức chấp nhận được, thì theo nhận định của phụ huynh, chất lượng học sinh đầu vào, cùng chất lượng dạy và học lại thấp. 

Chiều 4/7, khi Sở GD&ĐT có thông báo 35 trường công hạ điểm chuẩn, nhiều phụ huynh có con vừa đủ điểm lại nháo nhào đi rút hồ sơ ở những trường công lập ngoại thành hoặc trường thấp điểm hơn, sau khi nín thở chờ các trường công lập hạ điểm. Có phụ huynh lo rút hồ sơ rồi lỡ may không được nhận thì làm thế nào? Thậm chí có trường còn yêu cầu phụ huynh cam kết sẽ học tại trường trong 3 năm, nếu rút hồ sơ sau khi đã nộp sẽ không hoàn trả lại bất cứ khoản tiền nào. 

Năm nay, số lượng thí sinh tăng đột biến, ai cũng nghĩ rằng điểm chuẩn các trường sẽ tăng. Cho rằng con mình sẽ không đủ điểm đỗ NV1 và NV2, nhiều phụ huynh bắt đầu tìm hiểu và cuộc chạy đua nộp hồ sơ vào các trường dân lập cũng trở nên sôi động. Do không thể lường trước được việc điểm chuẩn năm nay trồi, sụt bất thường, giảm 2-4 điểm so với năm trước nên trước đó, nhiều phụ huynh lo con trượt trường công lập đã vội ghi danh vào những trường ngoài công lập. Tuy nhiên, phí “đặt chỗ” ghi danh này không hề nhỏ, ít nhất từ 2 triệu tới vài chục triệu. Thế nên khi điểm chuẩn giảm, biết con mình đủ điểm vào trường công, các gia đình lại nháo nhào đi rút hồ sơ. Nhiều trường cam kết ngay từ đầu là sẽ không trả lại tiền hoặc hồ sơ nhập học nên phụ huynh sẽ phải “tặc lưỡi”, chấp nhận mất tiền để lấy được hồ sơ về. Nếu không cũng sẽ bị “gây khó” với vô vàn lý do chưa trả hồ sơ (như ở Trường Lương Thế Vinh đi nghỉ mát đến hết ngày 2/7) khiến nhiều bậc phụ huynh “đứng ngồi không yên” khi chưa rút được hồ sơ của con. 

Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) thu phí ghi danh 2 triệu đồng/học sinh và được cho biết sẽ trả lại phí nếu học sinh rút hồ sơ. Nhiều ngày qua, tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, đã có mức điểm chuẩn thay đổi theo từng giờ khiến nhiều phụ huynh cũng như học sinh chóng mặt. Thông báo nhận hồ sơ từ tối 29/6, mức điểm chuẩn được trường ấn định là 46 điểm. Tuy nhiên, đến chiều 30/6, điểm chuẩn đã được nâng lên là 49 điểm, số hồ sơ cũng được hạn chế còn 30 hồ sơ. Ngày 1/7, điểm chuẩn của trường đã lên 50,5 điểm và chỉ còn chỗ cho 10 hồ sơ gây tâm lý bức xúc, mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh khiến Sở GD-ĐT ngay lập tức phải gửi công văn yêu cầu Trường Tạ Quang Bửu trả lại tiền “đặt cọc giữ chỗ” cho thí sinh và giữ nguyên mức điểm chuẩn.  

Và ngay như tại Trường THPT Lương Thế Vinh dù Sở nhắc nhở thì trường này cũng khẳng định, nhà trường chỉ trả lại các chi phí như tiền sách vở, đồng phục, còn tiền đặt cọc giữ chỗ nhà trường vẫn phải giữ lại vì ngay từ đầu nhà trường đã quy định như vậy và số tiền này để sung Quỹ khuyến học cũng như trả chi phí cho cán bộ làm công tác tuyển sinh cả trong ngày nghỉ.

Có nên bỏ kì thi vào 10?

Trước tình cảnh bất bình thường của việc nộp – rút hồ sơ nhập học vào  lớp 10, nhất là ở các trường ngoài công lập, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Không thể có chuyện trường ngoài công lập được tự chủ về tài chính, về tuyển sinh là muốn làm gì thì làm, mỗi nơi đặt ra một luật riêng, một sân chơi riêng làm khó phụ huynh như thế. Không thể để những biểu hiện phi giáo dục tồn tại trong môi trường giáo dục được. Đồng ý việc đóng các khoản phí ghi danh, hay giữ chỗ, tăng điểm chuẩn chóng mặt ở các trường ngoài công lập là quyền của nhà trường, hay thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng đã là môi trường giáo dục thì cần thực hiện một cách nhân văn. Tâm lý phụ huynh đã lo lắng, đã khổ, không nên lợi dụng nỗi lo của họ để kinh doanh”.

Ở góc độ khác, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng ngành Giáo dục nên đặt ra mục tiêu các thí sinh đều được đi học thì mỗi bên đều phải cố gắng hơn. Tuy nhiên, ông cũng khuyên các em và phụ huynh đừng có đổ xô vào một trường nào đó sẽ khiến cho áp lực tại nhà trường cũng tăng lên, kéo theo đó là những quy định không thuận lợi cho thí sinh. Hơn nữa, hầu như Sở GD&ĐT không thể can thiệp vào việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập nên việc thu những khoản thu không có trong quy định của Sở mà có trong quy định của nhà trường thì chính phụ huynh phải chịu những khoản đó. 

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, có lẽ đã đến lúc Luật Giáo dục mới nên có điều chỉnh bổ sung để các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương như Sở GD&ĐT các tỉnh được giám sát việc thu, chi học phí và các khoản thu khác của các trường ngoài công lập đóng trên địa bàn. Phải tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động, tuy nhiên, vẫn phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Có thể nói, việc hạ điểm chuẩn của các trường công lập vào lớp 10 tại Hà Nội được coi là động thái của Sở GD&ĐT trước áp lực tăng cao của các thí sinh và phụ huynh trong những ngày qua. Tuy nhiên, trước những áp lực để con học, thi và vào được lớp 10, đa phần phụ huynh đều đặt câu hỏi về việc có nên giữ kì thi lớp 10 nữa không, khi mà đã không còn kì thi vào THCS? 

“Bon chen” mới có suất vào lớp 1, lớp 6
Kỳ tuyển sinh lớp 1, dù học sinh nếu đúng tuyến sẽ chắc chắn được vào trường công lập, nhưng phụ huynh lại lo ngại trường lớp quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Thông tin về tuyển sinh đầu cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ năm 2016 đến nay, bên cạnh hình thức tuyển sinh truyền thống là trực tiếp đến trường đăng ký, phụ huynh có thể sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để đăng ký xét tuyển cho con vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Năm học 2018 - 2019 là năm thứ ba Hà Nội áp dụng tuyển sinh trực tuyến.

Trước đó, tại buổi thông tin báo chí về Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 -2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối với tuyển sinh lớp 1 năm nay, TP đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1. Dù Hà Nội đã có nhiều phương án, song theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2018 - 2019, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 tăng khoảng 30.000 học sinh so với năm trước. Nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục lo ngại sỹ số học sinh vào lớp 1 sẽ tiếp tục tăng mạnh và phải học luân phiên các ngày trong tuần. 

Bởi ngay trong năm học 2017 - 2018 cho thấy, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội luôn ở trong tình trạng quá tải, sỹ số bình quân mỗi lớp đạt từ 50- 55 học sinh, trong khi quy định hiện hành chỉ là 35 học sinh/lớp. Tại một số quận nội thành như: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... nhiều trường tiểu học đã áp dụng nghỉ học 1 ngày giữa tuần và đi học bù vào ngày thứ Bảy gây xáo trộn sinh hoạt cho các gia đình. Nhiều gia đình đã chấp nhận tiết kiệm chi tiêu để cho con học dân lập (với học phí 4-5 triệu/tháng) chỉ vì sỹ số lớp trường công quá đông.

Trước đó, với tuyển sinh lớp 6, từ tháng 5, lãnh đạo nhiều trường tư thục cho biết, các trường đã âm thầm thực hiện xong việc tuyển sinh đầu cấp, dù thời gian nhận hồ sơ theo quy định của Sở GD&ĐT là đầu tháng 7.  Giải thích lý do này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường dân lập Marie Curie (Hà Nội) cho biết, năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã có những điều chỉnh rất quan trọng, gỡ khó cho các trường “top” trong việc tuyển sinh đầu cấp, nhưng quy định “cứng” về thời gian xét tuyển chưa hợp lý. Thực tế, trước đó hồ sơ vào các trường ngoài công lập tốp đầu đã cao gấp 5-6 lần chỉ tiêu. Do đó, theo thầy Khang, nếu các trường đóng khung cùng một thời gian sẽ làm mất cơ hội của học sinh và các trường gặp khó khăn. 

Do đó, trước khi việc tuyển sinh đầu cấp được chính thức thực hiện theo quy định của Sở, ở các trường ngoài công lập tốp đầu, phụ huynh và học sinh lớp 1, lớp  6 đã phải vượt qua những cuộc sát hạch “đông như nêm” để có một suất vào trường…

Đến bao giờ, những mùa thi, những mùa tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 mới trở nên nhẹ nhàng?...

Đọc thêm