Trầm cảm, mất việc làm khi bị quấy rối tình dục
Gần đây, thông tin về việc một nhân viên nữ Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông N.N (Nhà sách N.N) xin nghỉ việc khi bị quấy rối tình dục (QRTD). Sau một thời gian im lặng, sáng 18/4/2024, fanpage Facebook của N.N đăng bài viết được cho là của Tổng Giám đốc nhà sách N.N xin lỗi và giải thích về sự việc nói trên. Ban Giám đốc Công ty N.N quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của Tổng Giám đốc. Sự việc bị tố “quấy rối nhân viên nữ” đã khiến lãnh đạo N.N nhận nhiều chỉ trích, thậm chí nhiều người còn kêu gọi tẩy chay nhà sách này.
Trước đó, một số trường hợp tố cáo của các nạn QRTD tại công sở. Ông T.H.P - Viện trưởng VKSND thị xã T.B bị chị P.T.V.V (SN 1995, chuyên viên VKSND thị xã T.B) tố cáo một buổi tối sau khi uống bia tại trụ sở cùng với 5 người trong cơ quan, ông P. gọi chị V vào phòng để nhờ "bắt gió". Tại đây, ông P. có những cử chỉ thiếu chuẩn mực, đòi cho quan hệ tình dục. Chỉ khi chị V cắn lưỡi thì ông P. mới bỏ ra và chị chạy về phòng.
Đừng im lặng khi bị quấy rối tình dục tại công sở (Ảnh: VBCWE) |
Với hành vi tương tự, mới đây, ông L.H.S, Tỉnh ủy viên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện C.T đã bị bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 vì “vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống”. Ông L.H.S. có liên quan đến nghi án hiếp dâm 1 nữ cán bộ huyện C.T, vi phạm quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quan hệ bất chính với cán bộ thuộc quyền.
Năm 2020, ông Đ.D.A (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên) bị nữ nhân viên cấp dưới tố có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự. Theo nội dung tố cáo, chiều 3/8, ông Đ.D.A. đã gọi điện và nhắn tin cho chị N.T.T sang phòng làm việc của mình. Khi nữ nhân viên này đến phòng, ông A. đã khóa cửa phòng lại, sau đó có những hành vi không đúng chuẩn mực. Nữ nhân viên đã cố gắng chống cự, chạy thoát được ra ngoài, thông báo cho đồng nghiệp và lãnh đạo sở. Tối cùng ngày, chị T trình báo cơ quan công an về sự việc trên và đề nghị Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đ.D.A. 10 ngày sau, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2642, cách chức đối với chức vụ Phó Giám đốc KH&ĐT của ông Đ.D.A.
Các nạn nhân hãy dũng cảm tố cáo
Trên thực tế, có rất nhiều nạn nhân bị QRTD chốn công sở như các nạn nhân trên, nhưng không phải ai cũng dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi này. Họ phải đối diện với nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ mất việc, sếp ghét, đồng nghiệp đánh giá, gia đình xấu hổ. Một số người còn có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân: “Chắc tính cách lẳng lơ, ăn mặc thế nào mới bị “gạ tình”?.
Các biện pháp phòng tránh quấy rối tình dục công sở. (Ảnh: Web Cool). |
Theo số liệu khảo sát từ Tổ chức ActionAid tại Việt Nam (là một tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia), có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần. Có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này, nhưng ⅔ trong số họ không làm gì cả.
Một số nhân viên nam có những lời lẽ trêu ghẹo, mang bộ phận nhạy cảm của đồng nghiệp nữ ra đám đông làm trò cười và cho rằng đó là chuyện “trêu vui thôi mà”, nhưng ít ai nghĩ đến những ảnh huởng tâm lý của các nạn nhân. Trong đó, hình thức QRTD bằng lời nói ở Việt Nam đôi khi vẫn bị xem thường, thậm chí còn bị nhiều người coi nhẹ bởi quan niệm sai lầm: “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu…”. Chính vì vậy, mọi người thường thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi đó. Vì thế, hành vi QRTD nơi công cộng và trong môi trường làm việc vẫn âm thầm diễn biến phức tạp.
Chị H.T.C (29 tuổi, Bắc Giang) là nạn nhân của QRTD không khỏi bức xúc, xót xa khi mình bị người chồng hiểu lầm, bắt nghỉ việc và bị trầm cảm một thời gian. Cách đây 5 năm, chị C là công nhân tại nhà máy dệt. Ngày ấy, chị rất yêu thích công việc này, chăm chỉ làm tăng ca để cải thiện cuộc sống. Một lần, nam đồng nghiệp mời chị ra góc sân công ty nhờ chị gửi quà cho người thân. Vừa đưa gói quà, nam đồng nghiệp đã ôm ghì và hôn chị. Chị C rất bất ngờ vội đẩy ra. Không ngờ, chồng chị C đi đón vợ đã nhìn thấy và cho rằng chị và đồng nghiệp có tình ý với nhau. Dù giải thích thế nào, chồng chị C vẫn không tin và bắt chị nghỉ việc. Ấm ức, chị làm đơn tố cáo nam nhân viên đó thì lãnh đạo công ty dọa chị không nên tố cáo vì “xấu chàng, hổ ai”: “Cô muốn công ty chỉ chỏ vào cô là cô lăng nhăng với đồng nghiệp? Muốn làm to chuyện để chồng con cô xấu hổ về mình”? Lo sợ bị gièm pha, chị C rút đơn tố cáo và nghỉ việc, về nhà làm ruộng. Nghĩ lại câu chuyện xảy ra với mình cách đây 5 năm, chị C vô cùng hối hận: “Nếu ngày đó tôi dũng cảm tố cáo nam đồng nghiệp kia thì tôi đã bảo vệ sự trong sạch của mình cũng như góp phần làm sạch môi trường lao động, tạo sự an toàn lao động. Để không đồng nghiệp nữ nào bị QRTD như tôi”.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho hay, để xóa bỏ QRTD từ nơi làm việc, trách nhiệm sẽ thuộc về nhiều phía. Trước hết, các doanh nghiệp cần phải thiết lập các chính sách và quy định rõ ràng về QRTD và áp dụng chúng một cách nghiêm túc. Lãnh đạo và các nhân viên cũng cần p ải tham gia vào việc tạo ra môi trường làm việc an toàn và không phân biệt đối xử. Nếu không xử lý tình hình, đơn vị sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề không chỉ về mặt uy tín mà còn về mặt kinh doanh, như đã thấy trong trường hợp của đơn vị xuất bản vừa qua.
Với nạn nhân, việc tố cáo đến cơ quan chức năng là một bước quan trọng. Họ cần liên hệ với các cơ quan như cảnh sát hoặc cơ quan quản lý lao động để báo cáo vụ việc và nhận được sự hỗ trợ pháp lý. Mặc dù hầu hết các vụ việc xảy ra bất ngờ và nạn nhân không kịp chuẩn bị bằng chứng, nhưng việc tố cáo vẫn là bước đầu tiên quan trọng trong việc bảo vệ bản thân và ngăn chặn các vụ quấy rối tương lai.
Các cơ quan cần thành lập các phòng tư vấn tâm lý, phục hồi sức khỏe tinh thần cho nạn nhân sau khi bị QRTD. Đối với những nạn nhân sau khi trải qua QRTD sẽ thường gặp nhiều vấn đề tâm lý, vì vậy, họ rất cần có sự quan tâm cũng như giúp đỡ từ doanh nghiệp. Với sự giúp đỡ từ các chuyên gia, nạn nhân bị QRTD được hỗ trợ trong việc phục hồi sức khỏe tinh thần và xây dựng lại niềm tin vào bản thân.
Ở Việt Nam, theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: “QRTD tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”. Hành vi này có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Hành vi QRTD được liệt kê cụ thể tại Khoản 2 Điều 84 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (Nghị định số 145/2020/NĐ-CP) như sau: Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; QRTD bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; QRTD phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; Trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Căn cứ Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội quy lao động thì người sử dụng lao động buộc phải quy định các nội dung về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi này vào nội quy lao động và phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Căn cứ Khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về người sử dụng lao động về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc như sau: Nghiêm cấm hành vi QRTD tại nơi làm việc;
Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi QRTD tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc; Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi QRTD tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan; Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi QRTD hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.