Quay về với đời từ đường dây nóng

(PLVN) - Đó là câu chuyện của những chú khỉ, chú rùa hoang dã đã suýt bị biến thành mồi nhậu hay thú cưng. Một cặp mắt nhìn, một tấm lòng đau, một tiếng chuông điện thoại vang lên và sau đó là những cuộc đời của động vật hoang dã được cứu sống. 
Hình minh họa

“Chậm chân là vĩnh viễn mất nó rồi còn gì!”

Nhiều người trong giới bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn còn nhớ câu chuyện giải cứu chú rùa biển có gắn chíp suýt bị lên mâm vào năm 2016. Ngày Chủ nhật 13/11/2016, anh Trần Hữu Đức Nhật (trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) được bạn cho xem ảnh của chú rùa bị nhốt trong một nhà hàng trên đường Yên Bái (quận Hải Châu).

Trong ảnh chú rùa cũng bình thường như bao con rùa khác, song khi nhìn kỹ anh Nhật phát hiện trên mai rùa có gắn một con chip điện tử. Đoán chắc đây là động vật được bảo vệ hoặc theo dõi đặc biệt mới có gắn chíp, anh lập tức gọi điện cho đường dây nóng bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh. Rồi sau đó, sợ họ chậm chân, anh Nhật tiếp tục lục tung danh bạ gọi cho bạn bè, nhờ mọi người tìm cách liên hệ với lực lượng chức năng để giải cứu chú rùa.

Ngay trong ngày hôm đó, Chi cục Thủy sản, Cảnh sát Môi trường TP Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng lập tức có mặt tại nhà hàng để xác minh. Qua kiểm tra, chú rùa này là rùa biển có nguồn gốc tự nhiên, dài 0,5m, nặng 4,5kg. Cá thể rùa này cần được bảo vệ và cấm khai thác, mua bán dưới mọi hình thức. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã vận động chủ nhà hàng cùng đem cá thể rùa thả về biển.

“Cả ngày hôm đó tui gọi điện liên tục để cập nhật tình hình giải cứu. Chậm chân là vĩnh viễn mất nó rồi còn gì. Dù là ngày nghỉ, Chủ nhật, nhưng thấy mọi người giải cứu rùa thần tốc nên tôi vô cùng cảm kích. Nếu ai cũng thờ ơ khi thấy ĐVHD bị nuôi nhốt trong nhà hàng, quán nhậu thì vô tình làm cạn kiệt nguồn sinh vật tự nhiên” - anh Nhật nhớ lại.

Cũng may mắn như chú rùa trên, ngày 16/1/2018, cơ quan chức năng huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã giải cứu 2 cá thể cu li đang bị nuôi nhốt làm cảnh tại một trạm dừng chân ở địa bàn qua thông tin từ một cuộc gọi tới đường dây nóng của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV).

Tiếp đó, ngày 19/1, một cá thể khỉ bị nuôi tại quán cà phê ở Đà Nẵng cũng được giải cứu và thả về Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong ngày 25/1, hai cá thể rùa vốn bị nuôi nhốt trong một nhà hàng ở Phú Quốc cũng được giải cứu và thả về vùng biển địa phương... Tất cả đều xuất phát từ những cuộc gọi thông báo của người dân tới đường dây nóng bảo vệ ĐVHD. 

Trung bình tiếp nhận 3,3 trường hợp vi phạm mới mỗi ngày

Những năm gần đây, cộng đồng đang có sự thay đổi tích cực trong nhận thức về công tác bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam. Không chỉ chủ động tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài ĐVHD, cam kết không sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ chúng, người dân cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD.

Trong năm 2018, ENV đã ghi nhận 1.666 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD. Trong số đó, 521 cá thể ĐVHD đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân, cũng như sự hành động nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.

Cụ thể, năm 2018, đường dây nóng 1800-1522 của ENV đã ghi nhận 819 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD được người dân thông báo. 65,5% trong số này đã được xử lý thành công, cao hơn nhiều so với mức 48% của năm 2017. Trung bình mỗi ngày, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV tiếp nhận 3,3 trường hợp vi phạm mới thông qua đường dây nóng 1800-1522.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng trước sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các nỗ lực bảo vệ ĐVHD, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam. Thông qua đường dây nóng 1800-1522, ENV hi vọng sẽ tiếp tục trở thành cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng để tiếp nhận thông tin về các vụ vi phạm cũng như các cá thể ĐVHD được tự nguyện chuyển giao”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á và cũng được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD.

Vì thế, ngay từ đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn giao các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật.

Đọc thêm