“Quốc gia tu viện” cấm phụ nữ và đàn ông không râu

(PLO) - Một vùng đất tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện thần thoại vẫn đang tồn tại giữa thời hiện đại. Đó là Núi thiêng Athos, nơi dành riêng cho tu sĩ nam ở Hy Lạp, cấm toàn bộ phụ nữ, động vật giống cái, và thậm chí là cả đàn ông không có râu.
Hình ảnh về lãnh địa núi Athos
Hình ảnh về lãnh địa núi Athos

Đạo luật 1.000 năm tuổi

Athos trong tiếng Hy Lạp gọi là Ayion Oros hoặc Agion Oros, có nghĩa là “Thánh Sơn”. Đây là một ngọn núi thuộc bán đảo vùng Halkidiki tức Đông Bắc Hy Lạp, với chiều dài 60km, rộng từ 7–12km và diện tích 390km².

Nơi đây nổi tiếng là vùng đất linh thiêng của quần thể 20 tu viện. Trong số đó, 17 tu viện là của người Hy Lạp, 3 tu viện còn lại là của người Nga, người Serbia, và người Bulgaria. Mỗi tu viện có hệ thống riêng về trang trại, nhà thờ và chỗ ở. Núi Athos được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp thế giới năm 1988. 

Một trong số 17 tu viện của người Hy Lạp, Pandokratoros, đặc biệt nổi tiếng nhất. Tu viện này được xây dựng bên bờ biển Đông Bắc của bán đảo, sở hữu một kiến trúc tuyệt đẹp với vị thế tựa sơn hướng hải.

Tu viện này có 15 nhà nguyện, được thành lập vào thế kỷ thứ XIV. Điểm nhấn của Pandokratoros là có một bộ sưu tập lớn của các pho tượng nhỏ, các bình lọ và những cổ vật. Ngoài ra tu viện có một thư viện lưu trữ khoảng 350 bản thảo và hơn 3.500 cuốn sách.  

Toàn bộ các tu viện trên núi Athos đều là thế giới riêng của các nam tu sĩ từ những năm 800 sau Công Nguyên. Năm 1045, Constantino Monomachos, Hoàng đế Byzantine thời bấy giờ đã trao quyền tự trị cho vùng núi Athos này, nơi đây chính thức trở thành quốc gia tu viện.

Do vậy, ngày nay Athos không bị pháp luật Hy lạp ràng buộc, họ trực tiếp nghe theo lệnh của tu viện, hiện tại nó là nơi duy nhất trên thế giới thuộc về “thể chế tăng lữ”.  

Đến năm 1060, nhằm mục đích giúp các giáo sĩ nam tịnh tâm và đến gần hơn với Chúa nên đạo luật Cấm phụ nữ được ban hành. Theo dân cư xung quanh ngọn núi Athos, trong thời gian bị quân đội Đức chiếm đóng, Hitler cũng tán đồng đạo luật cấm phụ nữ. Các sĩ quan cao cấp của Đức cũng không được phép mang vợ và tình nhân vào đây. Hình phạt đối với người vi phạm là 16 roi, sau đó lập tức bị trục xuất xuống núi. 

Những tu sĩ trên núi Athos.
Những tu sĩ trên núi Athos. 

Trải qua gần 1.000 năm, đạo luật cổ xưa này vẫn được thực thi và có giá trị thi hành tại Athos. Hiện nay, quy định này không đơn thuần chỉ cấm phụ nữ mà còn cấm luôn cả những loài vật giống cái (trừ những con vật bay trên trời), hoạn nhân hay thậm chí là đàn ông không có râu.

Nguyên nhân lớn nhất khiến đạo luật này tới giờ vẫn tồn tại là do niềm tin kéo dài hàng thế kỷ cho rằng, sự hiện diện của nữ giới sẽ ngăn cản cuộc hành trình khai sáng tâm linh của tu sĩ thuộc dòng giáo hội chính thống Thiên Chúa giáo đang tu hành tại đây. 

Tu hành từ khi vừa chào đời 

Theo cuộc điều tra dân số Hy Lạp năm 2001 thì dân cư ở núi Athos là 2.262 người, trong đó số tu sĩ chiếm là 1.300, tất cả đều là đàn ông. Các tu sĩ ngay từ khi chào đời đã được đưa tới đây để tu hành. 

Những tu sĩ phải tuân thủ một cuộc sống độc thân nghiêm ngặt. Cuộc đời của họ là những chuỗi ngày tĩnh tâm trong những tu viện khép kín, không có bất cứ một ý niệm nào về phụ nữ. Bởi phụ nữ bị cho là nguyên nhân khiến các tu sĩ trở nên xao lãng và cản trở sự giác ngộ. 

“Phụ nữ là ai? Họ trông như thế nào?”, câu hỏi tưởng đơn giản này lại trở nên quá khó với những người đàn ông đang sinh sống nơi đây. Không chỉ có các tu sĩ, những người dân bình thường sinh sống trên đảo cũng phải tuân thủ quy định này. 

Một tu sĩ sống tại Athos nói: “Nhiều du khách hỏi tôi vì sao tôi chọn ở lại vùng đất này trong khi thế giới bên ngoài có rất nhiều điều thú vị. Riêng tôi thấy cuộc sống nơi đây rất yên tĩnh, thảnh thơi, không có phiền toái, lo lắng. Chúng tôi sống trên này trường thọ hơn những người sống ở các nơi khác trên thế giới. Vậy thì tại sao chúng tôi lại cần phụ nữ? Tôi không quan tâm và cũng chẳng cần biết họ là gì”. 

Tất cả các tu sĩ phải mặc quần áo dài, màu đen để phản ánh cái nhìn ra thế giới bên ngoài. Họ phải cầu nguyện từng phút trong ngày. Sau 8 tiếng phục vụ ở nhà thờ, tu sĩ trở về nhà và tiếp tục cầu nguyện một cách âm thầm.

Cả đời họ không biết đến phụ nữ, đồ điện, thậm chí không bao giờ đọc báo. Người ta có lệnh cấm khắc nghiệt đối với mọi hành vi giải trí bao gồm ca hát, thậm chí là hút thuốc, uống rượu… hay bất kỳ thú vui nào giống thế giới bên ngoài. 

Ngày nay khi Athos được nhiều người biết đến hơn, cấm địa huyền bí mở cửa cho phép du khách được tham quan. Tuy nhiên mỗi ngày chỉ cho phép 100 du khách là người Hy Lạp hoặc người theo Chính Thống giáo viếng thăm.

Hình ảnh về lãnh địa núi Athos.
Hình ảnh về lãnh địa núi Athos. 

Còn đối với người nước ngoài phải được Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho phép, mỗi ngày chỉ được 10 người tham quan và phải đặt trước một tháng. Ngoài ra các du khách này phải có vẻ ngoài hiền lành, chân thật, trước khi lên phải trút bỏ xiêm y để kiểm tra nghiêm ngặt tránh trường hợp cải trang. Nếu có trường hợp vi phạm thì sẽ bị phạt rất nặng.

Phương tiện duy nhất đưa du khách dạo chơi trên đảo Athos là… đôi chân. Các tu viện đều được xây dựng trên những vách đá cheo leo, được bao bởi bức tường dày. Cổng vào chỉ có thể đi hàng một và nó sẽ đóng cửa ngay khi mặt trời lặn. Đối với du khách đến nơi đây, những chuyến lữ hành như vậy cũng chẳng khác cuộc sống tu hành...

Một vài lần “phá lệ” 

“Người phụ nữ” duy nhất được chấp nhận ở Athos là Đức Mẹ Đồng Trinh. Truyền thuyết kể rằng, Đức mẹ đã dừng chân trên núi Athos để tránh một cơn bão. Sau đó, Đức mẹ truyền lại những giáo lý đạo Thiên Chúa cho người dân sinh sống trên đảo.

Bất chấp những quy định nghiêm ngặt, núi Athos đã có một số trường hợp ngoại lệ. Phụ nữ và trẻ em luôn được chào đón trong thời điểm xảy ra chiến tranh hay dịch bệnh. Năm 1347, Nữ hoàng Serbia Jelena Kantakuzin phải lánh nạn tại núi thánh khi xảy ra bệnh dịch và công chúa Serbia Mara Brankovic được phép đến thăm để đóng góp cho việc tu bổ các tu viện trên núi Athos. 

Ngoài hai trường hợp đó thì có một vụ xâm nhập của nữ giới lên đỉnh Athos gây chấn động giới truyền thông. Nữ văn sĩ người Pháp, Maryse Choisy đã cải trang thành nam giới để trải nghiệm cuộc sống nam nhân trên núi trong một tháng. Sau khi trở về bà đã cho xuất bản cuốn sách “Một tháng ở nơi chỉ dành cho đàn ông”.

Một người nữa đó là Aliki Diplarakou - người đẹp Hy Lạp đầu tiên nhận vương miện hoa hậu châu Âu năm 1930. Cả thế giới đã sốc khi sự việc bị phanh phui, người phụ nữ được cả châu lục mê đắm đã “xâm nhập” vào thế giới thanh tịnh của đàn ông.

Năm 2003, Quốc hội châu Âu ra nghị quyết lên án hành vi vi phạm bình đẳng giới và quyền tự do của phụ nữ. Từ đó, phong trào phản đối lệnh cấm phụ nữ ra vào Athos ngày càng lan rộng, nhiều phụ nữ tham gia vận động hành lang đòi quyền bình đẳng giới cũng như quyền được theo đuổi tín ngưỡng. 

Cô Anna Karamanou, một thành viên trong nhóm phong trào “Cho phép phụ nữ đến thăm núi Athos” cho rằng: “Athos là nơi linh thiêng dành cho mọi tín đồ, họ thờ Đức mẹ đồng trinh nhưng lại ngăn cấm phụ nữ, như vậy là bất hợp lý”.

“Chúng tôi trả tiền thuế để xây dựng và tu bổ các tu viện. Tôi cũng bình đẳng như nam giới nên chẳng có lý do nào mà chúng tôi không được đến thăm núi Athos”, giáo sư Eleni Chontodolou, người hoạt động cho phong trào nữ quyền Hy Lạp cho hay.

Tuy nhiên với các tu sĩ, họ không xem lệnh cấm là một vấn đề bất bình đẳng giới. Thay vào đó, nó thuộc về đức tin. Cho đến giờ phút này, núi Athos vẫn là thánh địa linh thiêng và nổi tiếng nhất của Hy Lạp chỉ dành riêng cho phái mạnh. Dù thế giới ngoài kia đang biến đổi như thế nào nhưng bên trong quần thể tu viện này vẫn lưu giữ sự tĩnh lặng của hàng thế kỷ trước.