Quốc hội sẽ giám sát tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

(PLO) - Theo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017,  Quốc hội quyết định sẽ giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Quốc hội sẽ giám sát tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều này với tỷ lệ 473/481 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,75% tông số đại biểu Quốc hội).

Nghị quyết do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước Quốc hội nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 4,  QH sẽ Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Nghị quyết cũng Quyết nghị:

Về giám sát tối cao, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiến hành xem xét thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017;

Giám sát báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định; Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội;

Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2017; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thi hành án.

Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các báo cáo của cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn ĐBQH và ĐBQH. Xem xét báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.

Cũng trong kỳ họp thứ 4, sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Uỷ ban. Các đoàn ĐBQH, các ĐBQH căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định....

Trước đó, như PLVN đã đưa tin: Trong chương trình Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, nhều ĐB đã đề nghị đưa chương trình này vào kế hoạch giám sát.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh,  giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước  là nội dung mang tính chất rất quan trọng, cần đặt ra để có bộ máy nhà nước trong sạch.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình)
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

“Có người nói năng lực kém, nhưng cử tri nói năng lực không hề kém vì việc đó người ta biết cả, nhưng đằng sau có lợi ích chi phối nên làm ngơ cho xả thải chất độc ra môi trường, cho hàng gian, hàng giả lộng hành. Đấy là phẩm chất đội ngũ cán bộ bán không từ thứ gì, ăn không từ cái gì”. - ĐB Phương nói.

Liên quan đến sự vận hành bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của công chức, viên chức, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: “Lâu nay vấn đề này, vấn đề kia nổi lên, dư luận ồn ảo nổi sóng thì chúng ta nhận ra rằng bộ máy Nhà nước có vấn đề xuất phát từ hành động của đội ngũ cán bộ.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Chúng ta ai cũng nhận thấy, nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ biết trách nhiệm, bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều ách tắc, phiền hà, đầu tư dàn trải kém hiệu quả để hàng triệu USD lãng phí mỗi năm góp thêm vào nợ công; không có việc xả thải làm ô nhiễm và huỷ diệt môi trường khủng khiếp như ở Miền trung vừa qua; không có tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi; không có nạn cấp khống chứng nhận chất lượng thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn”

Và “nếu chúng ta có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh và đội ngũ cán bộ đạt chuẩn như tiêu chí xác định nông thôn mới thì chắc chắn không có tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan, hàng chục vạn dân nghèo phải khốn khổ vì đa cấp, hàng ngàn người rơi vào cùng quẫn khi vỡ nợ tín dụng đen”...

Đọc thêm