Hai chuyên đề giám sát
Báo cáo dự kiến chương trình, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình UBTVQH 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo QH, gồm Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị không tiến hành giám sát chuyên đề 3 trong năm 2020. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị nên lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2, do QH và UBTVQH giám sát.
“Vấn đề bảo vệ trẻ em nên lựa chọn vì thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo lực với trẻ em gây bức xúc dư luận. Mặt khác, chọn chuyên đề việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA) vì sau 5 năm, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là vừa kí CPTTP, do đó nên nhìn nhận lại các hoạt động liên quan đến hội nhập kinh tế Việt Nam. Trong hai chuyên đề trên”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phân tích.
Thống nhất chọn chuyên đề 1 vì “vấn đề về trẻ em nếu tính cả bạo lực học đường thì rất nhiều”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý lựa chọn góc độ để giám sát. “Có thể liên quan tư pháp, thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em. QH cũng phải lên tiếng về vấn đề này khi hàng ngày nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em như thế”, Chủ tịch QH nêu quan điểm.
Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, theo tờ trình của Tổng Thư ký thì phạm vi rất rộng và cho rằng, nếu khuôn lại ở vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em sẽ “quét” được cả vấn đề bạo lực học đường, bạo hành trẻ và cả xâm hại trẻ em.
Giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết điểm mới của kỳ họp lần này là đề nghị nghiên cứu thực hiện xin ý kiến đại biểu QH bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu QH để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến thông qua hệ thống điện tử.
Cơ bản thống nhất với chương trình trên, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề xuất nên rút ngắn thời gian phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp này từ 2 đến 2,5 ngày thay vì 3 ngày như hiện nay. Trước vấn đề trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có thể rút ngắn phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước xuống còn 1,5 ngày. Vấn đề thảo luận nên tập trung vào việc đưa ra những giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm, nhất là những vấn đề mới phát sinh.
Liên quan đến vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, theo Chủ tịch QH, phiên cuối năm là 3 ngày vì Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn, còn kỳ họp giữa năm có thể giảm xuống còn 2,5 ngày.