Quốc hội thảo luận 2 đề án lớn tại kỳ họp thứ 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Đoàn ĐBQH các địa phương để bổ sung vào Đề án; đánh giá trước những tác động trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào mục tiêu và nội dung tái cơ cấu kinh tế cũng như nhấn mạnh những giải pháp đột phá, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.

Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của hai vị Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra trong tháng 5/2012.

Ảnh minh họa

Rút ngắn thời gian họp Quốc hội

Báo cáo về Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Đặng Văn Chiến cho biết: Việc tổ chức kỳ họp Quốc hội sẽ theo hướng rút ngắn thời gian, song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng.

Trong hoạt động giám sát, tại phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; bố trí phiên họp trả lời chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thời gian cân nhắc, chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Đề án cũng đưa ra một số cải tiến, đổi mới trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH.

Kết luận về Đề án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, Đề án phải chú trọng tăng cường hoạt động giám sát của các Ủy ban của QH; đồng thời, trong mỗi câu trả lời chất vấn phải nêu rõ trách nhiệm, giải pháp và thời hạn khắc phục những vấn đề tồn tại; thực hiện rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp QH, nhưng phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả

Tái cơ cấu: Cần làm rõ giải pháp đột phá

Đề án “Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày đã xác định 5 bộ phận hợp thành của việc tái cơ cấu. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra 13 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế, trong đó đề xuất 7 giải pháp ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015.

Cho rằng cách đặt vấn đề của Đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng của sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đa số ý kiến các đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung như tác động của khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng nợ công 2010-2011; đánh giá  khái quát về mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO và chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Về những giải pháp chủ yếu, các đại biểu nhận đình rằng chưa có sự gắn kết giữa các nhóm giải pháp một cách đồng bộ và đề nghị bổ sung một số giải pháp mang tính xã hội, bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Đoàn ĐBQH các địa phương để bổ sung vào Đề án; trong đó phải đánh giá trước những tác động trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào mục tiêu và nội dung tái cơ cấu kinh tế cũng như nhấn mạnh những giải pháp đột phá, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.

Sơn Hà

Đọc thêm