Quốc hội thảo luận Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi): Chính sách nặng tính hô hào, khó khả thi

(PLVN) - Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) chiều 21/11, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB QH) băn khoăn về việc các chính sách đối với thanh niên được nêu trong Dự thảo Luật còn chung chung, mang nặng tính hô hào, ít khả thi.
ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp.
ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp.

Tuổi thanh niên tối đa 30 hay 35?

Dự thảo Luật đề xuất quy định thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi nhưng một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35 tuổi vì tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng; sức khỏe, thể chất cũng đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước.

Bên cạnh đó, quy định như vậy còn giúp tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việc này còn tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí lực lượng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 

ĐB Nhung cũng dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu thanh niên thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, qua tổng kết 196 quốc gia trên thế giới, có 95 nước quy định về độ tuổi thanh niên trên 30 tuổi, chiếm hơn 48%; trong đó số nước quy định từ 35 đến 40 tuổi là 45 nước, chiếm tỉ lệ gần 23%. 

Theo ĐB, đây cũng là một kênh để Việt Nam tham khảo khi xây dựng độ tuổi tối đa của Luật Thanh niên. Từ thực tiễn công tác của bản thân, ĐB Nhung còn cho rằng, nếu quy định độ tuổi tối đa của thanh niên là 30 tuổi thì các cơ sở Đoàn tại các cơ quan hành chính hay đơn vị sự nghiệp công lập… sẽ khó hoạt động bởi xu thế hiện nay sinh viên sau khi ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm tại các cơ sở kinh tế ngoài nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) lại nhận định việc quy định về độ tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi như trong Dự thảo Luật là hợp lý. Giải thích quan điểm của mình, ĐB cho rằng quy định độ tuổi của thanh niên còn liên quan đến việc Nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển thanh niên như ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng...

Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 tuổi. Thanh niên bắt đầu đi làm, khởi nghiệp hoặc học cao đẳng, đại học hoặc học nghề là khi trung bình từ 21 - 23 tuổi. Do đó, các chính sách hỗ trợ phát triển cho thanh niên không nên kéo dài đến 35 tuổi, khi thanh niên đã đi làm trên 10 năm.

Chính sách còn mang tính khẩu hiệu

Ngoài ra, nhiều ĐB cũng cho rằng các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được nêu trong Dự thảo Luật còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng. ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đối chiếu Dự thảo Luật với luật hiện hành cho thấy Dự thảo Luật vẫn chưa khắc phục được triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tờ trình.

“Trong Dự thảo còn nhiều nội dung quy định chung chung, nhiều điều khoản còn mang tính hô hào như: Nhà nước có chính sách, Nhà nước khuyến khích, đảm bảo, thúc đẩy, quan tâm… Nghe rất hay nhưng nếu QH thông qua mà không có văn bản hướng dẫn, tôi nghĩ rất khó để đi vào thực tiễn”, ĐB Trần Thị Hoa Ry nói.

ĐB cũng cho biết, trong hồ sơ mà ban soạn thảo gửi kèm theo luật có 5 nghị định nhưng các nghị định cũng mới chỉ dừng lại ở tên, không thể hiện cụ thể các quy định liên quan đến chính sách đề cập trong luật. 

Ngoài ra, ĐB Hoa Ry đề cập đến tình trạng hiện không ít thanh niên có nhận thức lệch lạc và hành động xấu, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn được một bộ phận thanh niên cổ súy mạnh mẽ. Theo ĐB, quy định về định hướng nhận thức cho thanh niên trong Dự thảo Luật còn chưa rõ, mờ nhạt; cần thể hiện rõ hơn.

ĐB cũng đề nghị Dự thảo Luật cần quan tâm tạo điều kiện cho thanh niên được tham gia quản lý nhà nước, quy hoạch, giám sát và phản biện các vấn đề xã hội. Cho rằng đây là một dự án quan trọng, liên quan đến các tầng lớp thanh niên, ĐB đề nghị ban soạn thảo phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xin ý kiến rộng rãi trong lớp thanh niên trước khi trình ra QH tại kỳ họp sau. 

Chung quan điểm, ĐB Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) thống kê rằng, diễn đạt chính sách trong Dự thảo Luật lặp lại ít nhất 25 lần từ “tạo điều kiện”, 20 lần từ “hỗ trợ”, 5 lần từ “khuyến khích” nhưng không rõ tạo điều kiện như thế nào, hỗ trợ cái gì, khuyến khích ra sao; tổ chức, cá nhân cụ thể nào tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích? 

ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) nhận định, Luật này có chất lượng hay không tuỳ thuộc vào tính khả thi của chính sách.

ĐB đề xuất 4 lĩnh vực mà theo ông, mỗi lĩnh vực Nhà nước chỉ cần đề ra vài chính sách sát với đời sống của thanh niên, bao gồm chính sách tín dụng sinh viên; chính sách học bổng, khuyến khích phát triển tài năng; chính sách vay vốn khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên; chính sách cho kiện tướng lao động trẻ; chính sách chiến sỹ trẻ dũng cảm; chính sách ưu đãi cho những sỹ quan, quân nhân nơi địa bàn và công việc đặc thù. 

Đầu phiên họp chiều 21/11, QH đã biểu quyết thông qua Luật Thư viện với tỉ lệ 91,51% tổng số ĐB tán thành. Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. 

Đọc thêm