Quốc hội thông qua danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện

(PLO) - Sáng nay (22/11), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội quyết định bổ sung kinh doanh pháo nổ vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 Luật đầu tư).

Quốc hội cũng đồng ý thay thế phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bằng phụ lục 4 mới với danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, uy định về các ngành, nghề kinh doanh như: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định như trên.

Luật giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này. 

Quốc hội cũng quyết định bãi bỏ khoản 1 điều 19 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và điều 151 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. 

Trước đó, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến đề nghị cần thống nhất nguyên tắc chung khi bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện theo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư: ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo đó, để tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thì ưu tiên xem xét đối với các ngành, nghề mà Chính phủ đề xuất bãi bỏ. Đối với những ngành, nghề hợp nhất hoặc sửa tên thì thống nhất theo hướng phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng thêm điều kiện kinh doanh. Đối với ngành, nghề bổ sung thì chỉ bổ sung khi đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự thống nhất của các cơ quan hữu quan./.

Đọc thêm