Theo một phóng viên của AFP, các trận giao tranh đã ngừng tại trung tâm thành phố Tripoli vào đầu giờ tối ngày 24/8. Từ lúc đó, người ta chỉ nghe thấy thỉnh thoảng có tiếng đạn lẻ tẻ. Lực lượng nổi dậy đã kiểm soát cả trung tâm thành phố. Họ thảnh thơi trên quảng trường Thánh chiến, biểu tượng của chính quyền. Trong ngày, nhiều con phố ở trung tâm Tripoli vắng tanh vì sự có mặt của những người trung thành với chính phủ.
Lực lượng nổi dậy ở Tripoli, Libya. Ảnh: AFP
Ngoài việc chiếm giữ Abu Slim, an ninh trên con đường dẫn tới sân bay cũng còn là ưu tiên đối với lực lượng nổi dậy đang vấp phải sự kháng cự hỗn loạn tại đây. Trước đó, việc chiếm giữ Bab al-Aziziya vào chiều 23/8, khu phức hợp rộng lớn của Đại tá Gaddafi, đã khiến lực lượng nổi dậy vui mừng khôn xiết ở cả Benghazi và Tripoli.
Hôm qua, lực lượng nổi dậy tiến tới Sirte, quê hương và là thành trì ven biển cuối cùng vẫn trung thành với ông Gaddafi. Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia – tổ chức chính trị của lực lượng nổi dậy - cho biết, hội đồng đã giám sát đài phát thanh dành cho những người trung thành với Gaddafi, với nhiều người trong số đó được tin là đang củng cố sức mạnh bên trong thành phố Sirte.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Ansa của Italia cho biết, 4 nhà báo nước này đang đi trên xe hơi ở Zaywiyah thì bị lực lượng trung thành với Gaddafi bắt giữ xe và giết chết tài xế. Trong khi đó, 33 nhà báo khác bị kẹt 4 ngày qua tại khách sạn Rixos, gần khu tổng hành dinh của Đại tá Gaddafi, đã được tự do nhờ sự hỗ trợ của Hội Chữ Thập đỏ.
Các nhà báo này gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Jordan, Trung Quốc, Mỹ, Anh... Họ làm việc cho nhiều hãng tin lớn như AP, BBC. Tối 24/8, lực lượng nổi dậy đã giành quyền kiểm soát Rixos mà không hề gặp sự phản kháng nào.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Libya hiện vẫn chưa được tìm thấy và để khuyến khích việc bắt giữ ông Gaddafi, lực lượng nổi dậy đã thông báo một giải thưởng – do một số thương gia Libya tài trợ – trị giá gần 1,7 triệu USD cho ai “lấy được đầu” của Gaddafi, có thể tiêu diệt hoặc bắt giữ ông này. Lực lượng nổi dậy cũng hứa cho những thành viên thân cận của Gaddafi nào giết được Gaddafi hoặc bắt giữ ông sẽ được nhân dân ân xá.
“Chính quyền của Gaddafi sẽ không kết thúc chừng nào ông ấy chưa bị bắt sống hoặc chết”, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Mustafa Abdeljalil khẳng định. Ông Mustafa cũng nhấn mạnh: “Thái độ của ông ta khiến chúng tôi nghi ngờ về một kịch bản”, trong khi ám chỉ đến hai bức thông điệp của Đại tá trong đêm 23 rạng sáng 24/8.
Trong bức thông điệp đầu tiên được phát trên truyền hình Al Uruba, Gaddafi khẳng định đã rút khỏi khu dinh thự vì “những lý do chiến thuật”, trong khi bức thông điệp thứ hai được phát trên kênh Arrai ông nói đang trú ẩn tại một nơi bí mật và nhấn mạnh đã “nhìn thấy nhiều thanh niên sẵn sàng bảo vệ thành phố”.
Lúc này, khi diễn biến trên chiến trường Libya đang nghiêng về lực lượng nổi dậy, cộng đồng quốc tế đã đưa ra rất nhiều sáng kiến để chuẩn bị cho thời hậu Gaddafi. Một cuộc họp giữa “những người bạn của Libya” sẽ diễn ra vào ngày 1/9 tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết.
Ngoài ra, ông Sarkozy còn nói rõ ràng, đó là “một hội nghị quốc tế lớn nhằm giúp đỡ Libya tự do trong tương lai”. Tổng thống Pháp khẳng định, các chiến dịch quân sự của liên minh quốc tế sẽ dừng lại ngay sau khi Đại tá Gaddafi và những người thân cận của ông “không phải là mối đe dọa đối với nhân dân Libya nữa”.
Lầu Năm Góc thì cho biết, kho vũ khí hủy diệt hàng loạt vẫn đang được đảm bảo an toàn ở Libya, nhưng một kho chứa hàng trăm rocket gây nên một mối lo ngại.
Về phần mình, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tối 24/8 đã nhóm họp để thảo luận đề xuất do Mỹ đưa ra về việc giải tỏa các nguồn tài sản của Libya vốn bị “đóng băng” để giúp đỡ cho Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia.
Washington muốn dỡ phong tỏa ngay lập tức 1,5 tỉ USD, nhưng Nam Phi lại từ chối việc giải tỏa tài sản của Libya và muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chờ đợi thêm để biết liệu Liên minh châu Phi có thừa nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia hay không trong cuộc họp vào ngày 25/8.
Trong khi đó, các quan chức của Nhóm liên lạc về Libya cũng nhóm họp tại Doha để thảo luận về một sự trợ giúp khẩn cấp 5 tỷ USD để giải tỏa các tài sản của Libya bị đóng băng.
Về việc công nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia hay vẫn ủng hộ ông Gaddafi, khoảng một chục nước mới, trong đó có Chad và Burkina Faso – những nước trước ủng hộ cho Gaddafi, kể từ hôm 23/8 đã công nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia là “đại diện hợp pháp của nhân dân Libya”, nâng số nước ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Libya lên 45.
Về phần mình, Nicaragua tuyên bố sẵn sàng đồng ý cho ông Gaddafi sống lưu vong, trong khi đó Tổng thống Venezuela Hugo Chavez – một trong những người ủng hộ tích cực nhất Gaddafi, khẳng định rằng, đại sứ quán Venezuela ở Tripoli đã bị “tấn công và cướp phá” gợi nhắc tới sự bắt đầu của một “thảm kịch” ở Libya.
Q.M (theo AFP, BBC, Guardian)