“Ném bom nhầm”, không quân Bờ biển Ngà bị xóa sổ như thế nào?

(PLO) -Ngày 6/11/2004 xảy ra một vụ việc bất ngờ: Hai chiếc máy bay cường kích Su-25 của không quân Bờ Biển Ngà tấn công doanh trại đơn vị quân đội Pháp làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình làm 9 lính Pháp bị chết, hơn 30 người bị thương. Tuy nhiên, chính phủ Bờ Biển Ngà không thể nào ngờ vụ “ném bom nhầm” này đã gây nên rắc rối lớn đưa đến thảm họa cho quân đội nước họ...
Sân bay quân sự của Bờ Biển Ngà sau vụ lính Pháp đột kích
Sân bay quân sự của Bờ Biển Ngà sau vụ lính Pháp đột kích

Trong lịch sử, hầu như toàn bộ các quốc gia Tây Phi, Trung Phi, Bắc Phi và một số đảo quốc ở Ấn Độ Dương đều là thuộc địa của nước Pháp.

Tuy sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhiều nước lần lượt giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của Pháp, nhưng châu Phi vẫn là đại châu có số người nói tiếng Pháp đông nhất; nhiều quốc gia vốn là thuộc địa cũ vẫn có mối quan hệ kiểu “tình cảm lịch sử” chặt chẽ khác thường tới mức khó tin; thậm chí mỗi khi xảy ra chuyện nội bộ bất hòa liền yêu cầu Pháp gửi quân đội tới để “giảng hòa”, “gìn giữ hòa bình”, thậm chí ra tay can thiệp, dùng vũ lực “dẹp loạn”.

Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire) là nước thuộc địa của Pháp từ 1882 đến 1960. Sau khi Bờ Biển Ngà độc lập, hai nước vẫn giữ mối quan hệ đặc biệt, Pháp cũng lập căn cứ quân sự và có quân đồn trú tại đây.

Năm 2002, Bờ Biển Ngà xảy ra nội chiến, Pháp tích cực can thiệp, giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên. Thế nhưng ngày 6/11/2004 xảy ra một vụ việc bất ngờ…

Vụ tiến công bất ngờ có chủ ý?

Sáng ngày 6/11/2004, 2 chiếc cường kích Su-25 do Nga chế tạo thuộc biên chế không quân Bờ Biển Ngà bất ngờ tấn công trực diện vào đơn vị “Thú một sừng” của Pháp đóng ở Bouaké.

Đơn vị này vừa mới được triển khai tới với danh nghĩa duy trì ổn định tình hình ở khu vực này, nhưng thực chất đây là một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nên gây lo ngại ít nhiều cho người Bờ Biển Ngà. 

Thực tế đây là một vụ cố tình tiến công để dằn mặt người Pháp đừng can thiệp quá sâu vào chuyện nội bộ của Bờ Biển Ngà – đó mới là ý đồ chính. Hai chiếc Su-25 áp dụng chiến thuật bay thấp đột kích để không bị hỏa lực phòng không đe dọa.

Họ bay 2 vòng để xác định mục tiêu, đến vòng thứ 3 mới ném xuống 2 quả bom loại 500 Bảng rồi biến mất. Bom đã ném trúng một xe bọc thép chở quân AMX-10RC, giết tại chỗ 9 lính Pháp, làm bị thương 39 người khác, ngoài ra còn có 1 người Mỹ có mặt trong căn cứ khi đó cũng bị chết vì mảnh bom, thân phận người này khá đặc biệt. 

Phi công Bờ Biển Ngà bên chiếc máy bay bị lính Pháp bắn nát đầu
Phi công Bờ Biển Ngà bên chiếc máy bay bị lính Pháp bắn nát đầu

Cú tiến công trực diện, chọc giận 2 cường quốc, rõ ràng khiến người Pháp cảm thấy bị mất mặt, chịu hết nổi. Báo cáo của lực lượng Pháp tại chỗ cho biết, họ nhìn thấy rõ các phi công là người da trắng, không phải da đen, nên Pháp nghi ngờ phi vụ này do các phi công Nga hoặc Ukraina tiến hành nên mới chính xác như thế.

Đòn trả thù sấm sét mang tính hủy diệt

Người Pháp lập tức tỏ rõ quan điểm không chấp nhận những lời giải thích của chính phủ Bờ Biển Ngà. Họ cho rằng hành động này là cố ý nhằm cảnh cáo Pháp đừng có can thiệp vào tình hình Bờ Biển Ngà. Để tránh tái diễn điều này, Pháp thấy cần phải “cho Bờ Biển Ngà một bài học”. 

Tổng thống Pháp lúc đó là Jacques Chirac tuy gây cho người ta ấn tượng ôn hòa, nho nhã, nhưng khi ra tay trả thù thì thật ghê gớm, không hề khách khí, có thể nói lửa giận của nước lớn đã bốc cao ngút trời.

Ông trực tiếp ra lệnh cho đơn vị “Thú một sừng” với sự yểm trợ của các chiến đấu cơ Mirage-2000 lập tức ra tay tiêu diệt toàn bộ lực lượng không quân Bờ Biển Ngà và bắt sống các phi công dám gây sự để trị tội.

Chuyện diễn ra sau đó mang tính rất kinh điển: từ 14h15’ đến 16h chiều hôm đó, lữ đoàn “Thú một sừng” chia làm hai mũi đánh thẳng vào hai sân bay ở phụ cận thủ đô Abidjan. Sân bay đầu tiên là nơi xuất phát của 2 chiếc Su-25 khi sáng.

Sau khi tiến vào sân bay, lính Pháp bắn chỉ thiên để đuổi các binh lính Bờ Biển Ngà canh gác ở đó, rồi dùng các tên lửa chống tăng và hỏa tiễn vác vai RPG phá hủy 4 chiếc Su-25 đang đỗ trong sân bay.

Lính Pháp không nhằm vào thùng xăng hay giá đeo bom mà chỉ bắn vào động cơ và buồng lái. 1 chiếc trực thăng tấn công Mi-24 có mặt ở sân bay cũng bị phá hỏng theo kiểu đó. Tại sân bay còn lại, 1 chiếc Mig-23MLD cũng bị phá hủy phần đuôi; các mục tiêu khác như trực thăng Mi-8, máy bay trinh sát IAR-330 cũng đều bị phá hỏng.

Mấy giờ sau tại sân bay còn lại, lính bộ binh và máy bay Pháp cũng đột kích phá hủy và phá hỏng các máy bay còn lại của không quân Bờ Biển Ngà.

Hai chiếc Su-25 gây sự bị phá hỏng
Hai chiếc Su-25 gây sự bị phá hỏng

Tính chung, chỉ trong một ngày, toàn bộ máy bay của lực lượng không quân nước này bị Pháp xóa sổ, bao gồm: 3 trực thăng Mi-8, 4 cường kích Su-25, 1 chiến đấu cơ Mig-23, 4 máy bay trinh sát IAR-330, 2 trực thăng vũ trang Mi-24, 2 máy bay tấn công mặt đất AC(BAE)-167.

Tuy nhiên nhiệm vụ bắt sống phi công không thực hiện được, họ không tìm thấy các phi công da trắng như mô tả trước đó.

Hậu quả ngoài dự kiến

Nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng không quân Bờ Biển Ngà được thực hiện nhanh gọn cho thấy khả năng của lực lượng phản ứng nhanh Pháp rất mạnh. Lữ đoàn “Thú một sừng” được trang bị các xe bọc thép bánh hơi, tính cơ động rất mạnh.

Thêm nữa, lãnh thổ Bờ Biển Ngà cũng không quá rộng, khả năng phân bố không quân không rộng, nhiều sân bay đều dành cho quân đội LHQ sử dụng, các sân bay quân sự còn lại đều tập trung trong một khu vực ở gần nhau nên tạo cơ hội cho quân Pháp dễ dàng phá hủy.

Thái độ tích cực, nhanh chóng nhập cuộc của lính Pháp qua đây cũng được đánh giá cao, vừa thể hiện thái độ và thực lực của một nước lớn, cũng lập nên kỷ lục: triệt để xóa sổ lực lượng không quân của cả một quân đội quốc gia chỉ trong một buổi chiều.

Tuy trận đánh này chỉ là một cuộc đột kích chiến thuật, nhưng khả năng và trình độ phản ứng nhanh cũng như hiệu quả chiến đấu của họ rất đáng được nghiên cứu. 

Đối với Pháp, hành động này của họ tỏ cho người khác thấy: khi gây chuyện thì xin lỗi cũng không có tác dụng, dám đụng đến ta ắt lĩnh đủ, thể hiện được ý chí của nước lớn và tái xác lập địa vị “anh cả” của Pháp ở châu Phi và uy quyền của họ trên quốc tế.

Tuy nhiên, sự trả thù kiểu “cạn tàu ráo máng” đó của người Pháp đã làm dấy lên sự bất bình, căm phẫn của người dân Bờ Biển Ngà, châm ngòi cho ngọn lửa căm thù chủ nghĩa thực dân vốn âm ỉ lâu nay bùng lên.

Tại nhiều thành phố đã nổ ra các cuộc bạo loạn chống Pháp quy mô lớn. Tại thủ đô Abidjan, hàng vạn người đã xuống đường phóng hỏa đốt cháy, cướp phá các cửa hàng, tấn công các trường học và khu nhà của kiều dân Pháp; mấy chục phụ nữ phương Tây bị hãm hiếp.

Trực thăng của Bờ Biển Ngà bị phá hỏng
Trực thăng của Bờ Biển Ngà bị phá hỏng

Nhiều vụ đánh đập, mưu sát người nước ngoài xảy ra, mấy trăm người phải chạy trốn lên các nóc nhà để Pháp dùng trực thăng di tản đến nơi an toàn. Các cuộc bạo loạn đó đã đẩy quan hệ hai nước lâm vào tình trạng căng thẳng chưa từng thấy. Điều này nằm ngoài dự kiến của người Pháp khi họ quyết định ra tay trả thù vụ không kích...

Đọc thêm