Samsung trong 'vòng xoáy' bê bối chính trị

(PLO) - Ngày 19/1, Tòa án quận Trung tâm Seoul đã bác bỏ lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong về những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng dẫn đến vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye. 

Quyết định này cho phép ông Lee trở về nhà ngay lập tức đồng thời cho thấy các công tố viên vẫn chưa đủ bằng chứng để định tội lãnh đạo tập đoàn Samsung. 

Không cần bắt giữ

Quyết định này cũng giải tỏa gánh nặng cho cả Samsung lẫn ông Lee - người đã phải cố gắng lấp chỗ trống trong ban lãnh đạo của tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, kể từ sau khi cha ông không thể lãnh đạo tập đoàn do lên cơn đau tim hồi năm 2014. Trong một thông báo bằng thư điện tử, tập đoàn điện tử khổng lồ của Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ rằng những chi tiết trong vụ việc này có thể được làm rõ mà không cần bắt giữ”. 

Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae Yong
Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae Yong

Trong khi đó, Văn phòng Công tố viên đặc biệt “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Tòa án quận Trung tâm Seoul đã bác bỏ lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong được đưa ra hôm 16/1 với các cáo buộc phạm tội hối lộ, tham ô và khai man. Tuy nhiên, văn phòng trên khẳng định sẽ cân nhắc các biện pháp cần thiết và tiếp tục điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Park. 

Trước đó, ngày 13/1, ông Lee đã phải trả lời thẩm vấn 22 giờ với tư cách là nghi phạm trong vụ bê bối. Ông đã khai nhận Tổng thống Park ép tập đoàn phải cung cấp hàng tỷ won cho nhiều tổ chức có liên quan đến bà Choi, nhân vật trung tâm của vụ bê bối hiện nay. Lời khai nhận này trái với những gì ông Lee đã tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hồi tháng trước, trong đó ông nói rằng Tổng thống Park chỉ nói về các vấn đề liên quan đến tập đoàn Samsung và kế hoạch đầu tư của họ trong một cuộc gặp riêng diễn ra năm 2015.

Ủy ban của Quốc hội điều tra vụ bê bối đã cáo buộc ông khai man trong cuộc điều trần. Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, những người phạm tội khai man như vậy có thể bị phạt tới 10 năm tù. 

Tòa án trung tâm Seoul
Tòa án trung tâm Seoul

Trong “vòng xoáy”

Theo tờ Les Echos (Pháp), sự kiện người thừa kế của Samsung bị đề nghị bắt giam dường như là một “quả bom” rơi xuống Hàn Quốc. 

Cuộc điều tra cho thấy là từ 3 năm qua, tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc có quan hệ “mờ ám” với bà Choi Soon-sil và Tổng thống Park Geun Hye. Mọi việc bắt đầu từ tháng 9/2014, Tổng thống Park đã gặp riêng Phó Chủ tịch Samsung và yêu cầu hỗ trợ cho “các triển vọng trong môn thể thao đua ngựa” Hàn Quốc. Cuộc trao đổi có lẽ đã thành công vì một tháng sau đó Giám đốc Samsung trở thành Phó Chủ tịch Liên đoàn đua ngựa Hàn Quốc KEF. 

Thế nhưng lúc bấy giờ không ai chú ý là con gái bà Choi, Chung Yoo Ra là thành viên của đội kỵ sĩ Hàn Quốc và được Tổng thống yêu cầu Bộ trưởng Thể thao nâng đỡ. Nhưng từ năm 2015, yêu cầu tài trợ đối với Samsung tăng tốc, Tổng thống Park lại gặp riêng Lee Jae Yong, yêu cầu hỗ trợ Liên đoàn KEF và đóng góp vào việc thành lập hai hiệp hội mới Mir và K-Sports. Và liên tục từ 2015 sang 2016, Samsung tài trợ cho thể thao Hàn Quốc nhất là cho Hiệp hội Core Sport, rót hơn 15 triệu euro.

Ngoài ra còn trung tâm thể thao mùa Đông, do một cô cháu của bà Choi Soon-sil điều hành, nhận được một khoản tiền lớn tương đương 1,2 triệu euro. Và Tổng thống Park đã gặp Phó Chủ tịch Samsung lần thứ ba cho việc tài trợ này. 

Riêng đối với hai hiệp hội Mir và K-Sports nói trên thì Samsung đã tặng mỗi hiệp hội 10 triệu euro cho việc thiết lập. Những sự kiện này đã được phanh phui trong cuộc điều tra từ tháng 10/2016 về bà Choi Soon-sil, bị tố cáo lạm quyền, tham nhũng, can thiệp vào công việc nhà nước. 

Còn báo Le Monde cho rằng, với vụ tai tiếng mới này, tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã rơi vào cảnh họa vô đơn chí trong vỏn vẹn vài tháng. Đề nghị bắt giữ đã xác nhận quy mô vang dội của vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền dính líu đến cấp cao nhất của Nhà nước và giới quyền thế trong nền kinh tế Hàn Quốc, mà nhân vật đầu tiên bị sờ gáy lại chính là lãnh đạo của Samsung. Cho đến nay, đã có cả chục người bị bắt trong vụ việc này. Ngoài nhân vật chính là bà Choi Soon-sil, cả chục người khác đã bị bắt trong đó có Bộ trưởng Văn hoá, Bộ trưởng Xã hội và một cựu chánh văn phòng Phủ Tổng thống.

Theo ghi nhận của Le Monde, Samsung không phải là tập đoàn duy nhất đã hối lộ bà Choi Soon-sil để giành được những lợi ích quan trọng. Tất cả các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc, từ Hyundai SK, cho đến LG hay Lotte đều đã góp tiền vào các hiệp hội do chính bà cố vấn tổng thống thành lập. Bà Choi hiện đang bị xét xử về tội đòi những khoản hối lộ lớn từ các tập đoàn đó để đổi lấy các ưu đãi. Ai cũng hối lộ, nhưng tại sao Samsung lại bị truy cứu đầu tiên? 

Người thừa kế của Samsung không phải là trùm kinh doanh Hàn Quốc đầu tiên bị bắt giữ. Cung cách quản lý thiếu minh bạch của các chủ đại tập đoàn và quan hệ chặt chẽ của các tập đoàn này với giới chức trong chính quyền đôi khi gây nên những vụ bê bối. Một số lãnh đạo tập đoàn từng bị bắt vì gian lận thuế và tham nhũng, nhưng hầu như lúc nào họ cũng được hưởng chế độ giảm án.

Ngoài ông Lee Jae Yong, một loạt những người thân cận của ông có thể bị bắt giữ, và đây sẽ là một vố đau thứ hai đánh vào uy tín của tập đoàn số một của Hàn Quốc. Uy tín này đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vào cuối mùa hè vừa qua với việc dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của Samsung bị bốc cháy hoặc phát nổ, buộc tập đoàn phải ồ ạt thu hồi sản phẩm chủ lực của mình và đình chỉ sản xuất sản phẩm này.