Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết

(PLVN) -  Đây là một trong những kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), vừa được nêu rõ tại Thông báo số 2112/TB-TTKQH. Dự án Luật Giá (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21, tháng 3/2023.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bổ sung quy định hậu kiểm về kê khai giá

Theo Thông báo 2112, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị lưu ý, tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá; danh mục và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; cơ sở, căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của Nhà nước, trách nhiệm và vai trò của tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá; tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai, niêm yết, tham chiếu giá và kiểm tra yếu tố hình thành giá; bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là bảo vệ lợi ích của người yếu thế… Hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn, thẩm định giá, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá của Nhà nước, số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

Về Quỹ bình ổn giá, UBTVQH thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật. Tuy nhiên, đề nghị hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập Quỹ. Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, UBTVQH đề nghị rà soát kỹ, lấy ý kiến của các bộ, ngành trực tiếp quản lý, bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh danh mục (dự kiến loại bỏ, bổ sung), làm rõ thời điểm công bố định giá. Về kê khai giá, UBTVQH đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối tượng kê khai giá chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã kê khai theo quy định pháp luật, bổ sung quy định về kiểm tra (hậu kiểm) của cơ quan quản lý Nhà nước.

UBTVQH cũng đề nghị nghiên cứu quy định thành hai loại giá tham chiếu: Giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách quyết định mua sắm và làm căn cứ quy định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá và quyết định giá; Giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để tổ chức, cá nhân không sử dụng vốn ngân sách tham khảo trong quá trình xây dựng phương án giá, tự quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình…

Không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cũng ký Thông báo số 2101/TB-TTKQH Kết luận của UBTVQH về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Thông báo, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng vì mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình QH phương án khác với ý kiến của UBTVQH thì đề nghị xây dựng hai phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của UBTVQH và đề xuất của Cơ quan thẩm tra để đại biểu QH xem xét, cho ý kiến.

Về các nội dung lớn của dự thảo Luật gồm quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; lựa chọn chủ đầu dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; về áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp...,

UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận có liên quan; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình QH tại Kỳ họp thứ 5, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Đối với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng, gồm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, vấn đề chuyên gia, người lao động nước ngoài lưu trú tại nhà lưu trú công nhân bố trí trong khu công nghiệp..., UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo Luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp…

Đọc thêm