Tổ chức và hoạt động Mạng lưới TBT
Theo quy chế, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, quản lý hoạt động của Mạng lưới TBT Việt Nam, bao gồm cơ quan thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của quốc gia (Điểm TBT quốc gia), cơ quan thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các bộ (Điểm TBT của bộ) và cơ quan thực hiện hoạt động TBT ở địa phương.
Hoạt động TBT cấp quốc gia thực hiện thông qua Điểm TBT quốc gia là Văn phòng Thông báo và hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hoạt động TBT cấp Bộ thực hiện thông qua các Điểm TBT của bộ là cơ quan được chỉ định thực hiện nhiệm vụ về TBT của các Bộ: Công Thương; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng và Y tế.
Hoạt động TBT địa phương thực hiện thông qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Mạng lưới TBT Việt Nam có chức năng thực hiện nghĩa vụ thông báo và nghĩa vụ hỏi đáp về TBT của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến TBT; giúp Ban liên ngành TBT thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Quy chế này; vận hành Cổng Thông tin TBT Việt Nam nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông báo và nghĩa vụ hỏi đáp về TBT của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến TBT; hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về TBT nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Chức năng Ban liên ngành TBT
Ban liên ngành TBT là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu, tư vấn, đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến TBT; thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam trong các điều ước quốc tế liên quan đến TBT mà Việt Nam là thành viên; giải quyết các vướng mắc, khiếu nại, tranh chấp về TBT giữa Việt Nam và các thành viên ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến TBT.
Ban liên ngành TBT có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến TBT và kết luận các vấn đề chuyên môn liên ngành làm cơ sở cho việc thực hiện nghĩa vụ thông báo và hỏi đáp; đề xuất các chương trình hành động, giải pháp nhằm thực thi các nghĩa vụ và bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến TBT; tham gia các hoạt động về TBT ở trong nước và ngoài nước theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ; các chương trình, đề án, dự án liên quan đến TBT; tiếp cận thông tin về TBT từ các tổ chức trong nước và ngoài nước; tham dự và thảo luận về các vấn đề liên quan đến TBT trong các diễn đàn có liên quan; sử dụng nhân lực, phương tiện của Điểm TBT quốc gia để triển khai thực hiện nhiệm vụ.