Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: Quyền và trách nhiệm song hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành kèm theo Thông tư số 18 vừa đủ chặt chẽ để kiểm soát chất lượng, vừa đủ thông thoáng để các cơ sở Giáo dục Đại học (GDĐH) thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của mình.

“Chặt chẽ” hay “thông thoáng”?

Thưa PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, có một số ý kiến cho rằng quy chế mới có những điểm sửa đổi, điều chỉnh “dễ” hơn so với quy chế cũ. Quan điểm của bà thế nào về ý kiến này?

PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh: Tôi thấy Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 (sau đây gọi tắt là Quy chế) có nhiều điểm mới so với Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, Quy chế vẫn đủ chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đào tạo tiến sĩ sao cho đảm bảo chất lượng, mà vẫn đủ thông thoáng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của mình. Thực sự chúng tôi rất hào hứng chờ đợi ngày Thông tư số 18 có hiệu lực pháp luật.

Trước hết, quy chế này được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có tính hội nhập quốc tế hơn.

Quy chế đã bổ sung nhiều quy định mới so với Thông tư 08 như công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, xác định rõ hơn quyền và trách nhiệm của nghiên cứu sinh (trong việc xây dựng kế hoạch học tập, tham gia hoạt động ở đơn vị chuyên môn như trợ giảng…), cho phép đào tạo trực tuyến…

Đặc biệt, quy chế đã rà soát rất kỹ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ ở các cơ sở GDĐH khi thực hiện Thông tư số 08 để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam như tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều kiện bảo vệ luận án…

Việc bổ sung vào tiêu chuẩn, điều kiện này các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước từ 0,75 điểm trở lên trong danh mục được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận, sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước phát hành là điểm tháo gỡ nút thắt lớn nhất trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Tôi đánh giá những quy định này sẽ tác động tích cực đến hoạt động đào tạo tiến sĩ, từ tuyển sinh cho đến đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ sở GDĐH đang gặp phải.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được đánh giá giúp loại bỏ, điều chỉnh nhiều quy định mang tính hình thức.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được đánh giá giúp loại bỏ, điều chỉnh nhiều quy định mang tính hình thức.

Loại bỏ, điều chỉnh nhiều quy định mang tính hình thức

Một số người cho rằng các thủ tục hành chính thường khiến cơ sở đào tạo và người học mất nhiều thời gian. Với quy chế này thì sao, thưa bà?

PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh: Tôi cho rằng, nhiều quy định mang tính hình thức của Thông tư số 08 đã được loại bỏ hoặc điều chỉnh cho hợp lý hơn trong quy định mới này.

Đây cũng là một chủ trương đúng đắn, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt đối với đào tạo các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Ví dụ, thông báo tuyển sinh công khai trước khi tuyển sinh 30 ngày, thay vì 03 tháng như Thông tư 08, việc thay đổi đề tài, bổ sung người hướng dẫn được thực hiện trong thời gian đào tạo chứ không còn ấn định mốc thời gian, thủ tục cấp bằng tiến sĩ cũng đơn giản hơn…

Đặc biệt, chúng tôi ủng hộ việc quy định rõ ràng các thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó các cơ sở GDĐH có trách nhiệm thực hiện đúng và người học có thể giám sát việc thực hiện.

Với những quy định như vậy, tôi tin rằng cả 2 phía (nhà trường và người học) đều thấy thuận lợi hơn, minh bạch hơn, đỡ mất nhiều thời gian vào các thủ tục hành chính không có nhiều ý nghĩa, tập trung vào chuyên môn hơn.

PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Quyền và trách nhiệm song hành

Trao quyền tự chủ có thể khiến dư luận băn khoăn về chất lượng đào tạo. Liệu có cần thêm những yếu tố gì để các cơ sở có thể vừa thực hiện tự chủ vừa đảm bảo chất lượng đào tạo?

PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh: Theo tôi Quy chế mới đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Các cơ sở GDĐH đã được tự chủ nhiều hơn trong hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, từ khi tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho đến khi cấp bằng tiến sĩ.

Các quy định của Quy chế dành nhiều quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo như ban hành Chương trình, quy định về nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh, quyết định thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ trong khung tiêu chuẩn mà Bộ GDĐT quy định, số lần tổ chức tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, quyết định đào tạo trực tuyến…

Hầu như quy định nào của Quy chế cũng trao cho cơ sở đào tạo quyền quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với quyền tự chủ đại học đã được Luật GDĐH quy định.

Tuy nhiên, tự chủ đại học luôn song hành với trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm. Vì thế, Quy chế đã có những quy định về trách nhiệm báo cáo, công khai cũng như một số quy định chặt chẽ bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện trong quá trình đào tạo.

Theo tôi, về cơ bản, Quy chế mới đã tạo được hành lang pháp lý đủ thông thoáng nhưng cũng không kém phần chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, người học và cộng đồng xã hội.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

PGS .TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả các quy định này, trước hết các cơ sở GDĐH phải nhanh chóng rà soát, xây dựng quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ phù hợp với Thông tư số 18 để kịp thời triển khai ngay khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Đồng thời, cần triển khai tập huấn, phổ biến tới các đối tượng có liên quan như cán bộ lãnh đạo, giảng viên hướng dẫn, đơn vị chuyên môn, nghiên cứu sinh để thống nhất nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình.

Đọc thêm