Quy định “bó tay” lực lượng chức năng trong xử lý “cát tặc”

(PLO) - “Để xử lý hình sự, luật quy định phải chứng minh được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn vấn đề này; hoặc theo quy định của Bộ luật Hình sự thì sau khi hút cát, bán có giá từ 300 triệu đồng trở lên mới có thể truy tố, nhưng thực tế một sà lan chứa đầy cát được hút lên giá theo thị trường chỉ từ 9-10 triệu đồng…”.
Hậu quả của khai thác cát trái phép đã làm xói lở nhiều bờ, bãi
Hậu quả của khai thác cát trái phép đã làm xói lở nhiều bờ, bãi

Đó là ý kiến của Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc  (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn trong tuần qua.

Tỷ lệ tái phạm cao

Ngay đầu cuộc họp, câu chuyện “cát tặc” đã làm nóng hội trường khi ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, vấn nạn khai thác cát, sỏi đang diễn ra nhiều nơi và hết sức nghiêm trọng. MTTQ đã 3 lần báo cáo Chính phủ, 2 lần báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Hà Nội là một trong những địa bàn trọng điểm về khai thác cát, bởi vậy các lực lượng chức năng của thành phố cần mạnh tay xử lý sai phạm, lập lại kỷ cương trong khai thác cát.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì các tàu thuyền thường trốn tránh bằng cách di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác.

Bên cạnh đó, việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính (tàu hút cát) cũng không đơn giản do nơi để phương tiện quá xa nơi kiểm tra, xử lý; việc tịch thu phương tiện một số vụ khó thực hiện do các phương tiện này là nơi cư trú của gia đình đối tượng vi phạm…

Cùng chung quan điểm, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội bổ sung thêm những vướng mắc mà lực lượng công an gặp phải. Điển hình là việc phân định mốc giới, địa giới hành chính tại địa bàn giáp ranh giữa TP Hà Nội và các tỉnh lân cận chưa kịp thời; sự thống nhất giữa các địa phương trong cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản còn chưa hiệu quả, dẫn đến cấp phép chồng lấn địa giới hành chính. Ngoài ra, theo quy định pháp luật, việc tạm giữ phương tiện vi phạm chỉ 60 ngày, sau đó phải trả lại, bởi vậy tỷ lệ tái vi phạm khá cao, chiếm 30% và có thể hơn thế. 

Không để người dân đơn độc chống “cát tặc”

Chia sẻ những khó khăn với lãnh đạo TP Hà Nội, nhưng theo người đứng đầu Mặt trận, dù khai thác ban ngày hay ban đêm, cát vẫn phải được tập trung đưa lên bờ, vì vậy, biện pháp tốt nhất là quản lý chặt chẽ các bến tập kết và kinh doanh cát trên bờ.

“Thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt theo đúng kế hoạch và các giải pháp đã đề ra”- ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, đồng thời đề nghị lãnh đạo Hà Nội giải thích rõ vì sao trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt được hàng trăm vụ khai thác cát, sỏi trái phép nhưng mới chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng đã nêu một loạt nguyên nhân liên quan, trong đó đáng chú ý là những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành: “Hiện chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nên khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Còn Thiếu tướng Đinh Văn Toản thì cụ thể hơn: “Sở dĩ trong năm 2016, Công an TP mới chỉ xử lý được 1 vụ, 1 đối tượng/177 vụ được phát hiện, do luật quy định phải chứng minh được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn vấn đề này; hoặc hút cát được bán có giá từ 300 triệu đồng trở lên mới có thể truy tố theo Điều 172 Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế một sà lan chứa đầy cát được hút lên giá theo thị trường chỉ từ 9-10 triệu đồng. Do vậy, muốn xử lý được hình sự phải  chứng minh các đối tượng bán được với số lượng gấp vài chục lần”.

Nhắc lại chuyện một số địa phương phải tự thành lập tổ tự quản để canh gác, chống lại hiện tượng khai thác cát trái phép, ông Nhân cho rằng, để nhân dân tự tổ chức đội tự quản như vậy là một thiếu sót của chính quyền địa phương. “Khi người dân phải tự tổ chức thành những đội tự vệ ra “chiến đấu” với “cát tặc”, những người làm công tác Mặt trận đang ở đâu?...

Người dân tay không thì làm sao chiến đấu được với cát tặc, nhưng họ vẫn phải làm vì bất dắc dĩ, vì đất lở, ruộng mất, mà tình trạng kéo này dài mãi, nói mãi không ai nghe. Mặt trận không thể để người dân đơn độc trong cuộc chiến này”- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh và lưu ý trong quá trình xử lý, đặc biệt với 82 địa điểm phức tạp thì Công an TP cần lên phương án cụ thể, giao cho từng địa phương sở tại thực hiện.

Ngoài việc đề nghị cơ quan chức năng sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể để truy cứu được trách nhiệm hình sự đối với khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý MTTQ các địa phương cần phối hợp với người dân giám sát quyết liệt trong lĩnh vực này.

“MTTQ ở địa bàn nào công bố có quy hoạch thì phải tham gia giám sát ở đó. Mặt trận phải tập trung từ nay đến cuối năm 2017, không cho phát sinh khai thác cát trái phép khi Hà Nội công bố quy hoạch”- ông Nhân kiên quyết.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, qua công tác điều tra cơ bản, Phòng C49 (Công an TP Hà Nội) xác định trên địa bàn có 82 tụ điểm có hoạt động khai thác cát diễn biến phức tạp, tập trung tại các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Bắc Từ Liêm…

Tính từ ngày 16/11/2015 đến 15/11/2016, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 217 vụ/248 đối tượng và 4 tổ chức khai thác cát trái phép; tạm giữ 246 phương tiện, tịch thu 5 tàu thuyền; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, Công an TP Hà Nội đã xử lý 85 vụ/124 đối tượng, tạm giữ 72 phương tiện, tịch thu 1 tàu thuyền; xử phạt hành chính 34 vụ với số tiền hơn 1 tỷ đồng và 36 vụ đang chờ xử lý.

Đọc thêm