'Quy định đóng bảo hiểm 20 năm mới hưởng lương hưu, người lao động khó chờ đợi được'

(PLVN) - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng nay, 6/6, đề cập về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến BHXH. Theo Bộ trưởng, những ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may mà quy định kéo dài 20 năm, lao động nam đủ 62 tuổi mới được nghỉ hưu, lao động nữ 60 tuổi đều rất "khó đợi được".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Giải pháp nào hỗ trợ lao động nữ mất việc làm ở tuổi ngoài 40?

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu vấn đề, từ thực tế cắt giảm lao động của các doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi là hết sức khó khăn. Đây cũng là nhóm nguy cơ cao phải rút BHXH một lần.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết những giải pháp triển khai theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp với có thẩm quyền để hỗ trợ lao động nữ ở độ tuổi ngoài 40 tuổi bị mất việc làm.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tối qua, ông đã đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Cách đây 1 tháng, ông được Thủ tướng Chính phủ phân công đi kiểm tra một số địa phương.

“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có những ngành nghề tới 80% là nữ. Vào các công ty ở Nghệ An hiện nay, gần như tuyệt đối là lao động nữ. Việc này rất quan trọng. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong dòng người hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông là những người mẹ đem theo con”, Bộ trưởng nói.

Khẳng định vấn đề đại biểu nêu là rất đúng, rất xác đáng, rất quan trọng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, về giải pháp, phải đào tạo ngay từ sớm, chăm lo đào tạo khi chưa thất nghiệp.

“Qua tuổi 40, cơ hội việc làm với người lao động ngành dệt may là rất khó khăn vì mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp. Do đó, phải chủ động thực hiện các giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất; tạo việc làm ổn định; thực hiện tốt nhất các chính sách đang có, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, trường học… để lao động nữ giảm bớt khó khăn, thiệt thòi”, Bộ trưởng nêu giải pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh cần chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để người lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp có thể có bố trí việc mới. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, khi lao động nữ khi về địa phương thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm để họ thích ứng với điều kiện mới.

Trao đổi thêm về việc sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Phải tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến BHXH. Nếu tiếp tục quy định đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu thì người lao động khó chờ đợi được. Nhất là những ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may mà kéo dài 20 năm, lao động nam đủ 62 tuổi, lao động nữ cũng 60 tuổi… mới được nghỉ hưu, đều rất khó”.

Theo Bộ trưởng, hướng giảm số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu xuống 15 năm tiến tới 10 năm thì đương nhiên người về hưu hưởng lương thấp. Đó là do BHXH vận hành theo nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng, nhà nước chỉ chia sẻ một phần.

Chưa phát hiện tiêu cực trong vụ thu sai BHXH chủ hộ kinh doanh cá thể

Nói thêm về vụ việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc nhiều năm mà nay bị “treo” lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc thu BHXH bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm là của cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương. Việc này đã phát hiện, Bộ đã có những cuộc làm việc với cơ quan BHXH và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Bộ trưởng cũng thông tin, những trường hợp đang thu bảo hiểm, chưa giải quyết được là do còn vướng mắc, còn phần đa các địa phương xử lý linh hoạt cho các chủ hộ kinh doanh. Nhiều trường hợp đã chuyển sang đóng BHXH tự nguyện, có trường hợp cho thoái thu, có trường hợp xin được tiếp tục đóng BHXH bắt buộc.

“Số liệu đến nay không còn như vậy, đây là con số báo cáo đến năm 2016. Vừa qua, đã có 8 đoàn kiểm tra, rà soát lại hiện tượng này. Qua đó, có địa phương báo cáo 62 trường hợp, nhưng kiểm tra thực tế còn 8 trường hợp. Như vậy là đã giải quyết về căn bản”, Bộ trưởng cho biết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc có tiêu cực trong thu BHXH hay không, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và hướng xử lý trong thời gian tới, Bộ trưởng nêu rõ: “Đến nay, chưa phát hiện tiêu cực, trục lợi, nhưng có sai. Về việc xử lý, chúng tôi trao đổi Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chắc chắn phải xử lý và xử lý theo quy định hiện hành”, Bộ trưởng báo cáo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rằng, kế hoạch trong chương trình xây dựng pháp luật tới đây có việc sửa luật BHXH, cơ quan soạn thảo đã dự kiến đưa đối tượng chủ hộ kinh doanh vào diện đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, Bộ trưởng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công nhận, đảm bảo ngay quyền lợi, bổ sung vào Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện cộng nối quá trình đóng BHXH, nếu có nhu cầu sang BHXH hoặc bắt buộc.

Đọc thêm