Quy định liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

(PLO) - Công ty NVM Group vừa phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài của Anh, Canada, Singapore, Hà Lan và Malaysia, tổ chức Hội thảo “Những Quy Định Pháp Luật Liên Quan Đến Người Nước Ngoài Làm Việc Tại Việt Nam 2015”.
Quy định liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Hội thảo nhằm đáp ứng nhu cầu phải có một kênh trao đổi trực tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài và đại diện Nhà nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hành các quy định pháp luật liện quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hướng đến việc hoàn thiện và xây dựng môi trường thuận lợi, công bằng cho đầu tư và lao động.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Benjamin Yap, Chủ tịch danh dự, Hiệp hội DN Singapore (SBG) cho rằng làn sóng di chuyển lao động có trình độ kỹ thuật và chuyên môn cao đang ngày một phát triển cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên làm thế nào để cân bằng chi phí về lao động của người nước ngoài (NNN) đối với các DN trong nước đang là một bài toán cần giải của các DN Việt Nam.
 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho ngưới nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các thủ tục hành chính, thủ tục nhập cảnh, visa, tạm trú đang được Chính phủ Việt Nam cải cách để tạo sự thuận lợi cho người nước ngoài.

Theo ông Benjamin Yap, các thủ tục hành chính cũng như quy trình cấp giấy phép thường qua nhiều khâu, nhiều công đọan và chưa có sự nhất quán ở mỗi cơ quan quản lý. Chính vì vậy, vấn đề chi phí về thời gian đang là trở ngại lớn nhất đối với NNN và các DN sử dụng lao động NNN. Ngoài ra, việc tìm hiểu các quy trình xin giấy phép cho NNN cũng chưa được phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng nên đã gây khó khăn cho DN trong quá trình xin phép.

Ông Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng Xuất nhập cảnh của Công an TPHCM, cho biết Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN đã có nhiều đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho NNN tại Việt Nam.

Cụ thể, trong luật mới có rất nhiều điểm về khai báo tạm trú. NNN phải thông qua người điều hành, người quản lý kinh doanh tạm trú để khai báo tạm trú. Tức là luật giao toàn bộ trách nhiệm khai báo cho chủ DN, chủ nhà, chủ khách sạn nếu vi phạm thì người nước ngoài không chịu trách nhiệm.

Trong quá trình đi khai báo cũng do người VN chịu và NNN không phải đi khai báo tạm trú. Hiện nay đã có khai báo tạm trú qua mạng và hơn 800 các khách sạn ở TPHCM đã có nối mạng với cơ quan quản lý…

Liên quan đến các quy định pháp luật về nhu cầu tuyển và sử dụng người lao động nước ngoài, đại diện Cục Việc làm – Bộ LĐ-TB và XH, cho biết theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP trước khi tuyển dụng NNN, nhà thầu có trách nhiệm đề nghị tuyển lao động VN vào các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài tuy nhiên trên thực tế khi nhà thầu có nhu cầu sử dụng lao động NN thì thường để đảm nhận những công việc đặc thù, đòi hỏi LĐ có chuyên môn đáp ứng công việc mà không cần qua đào tạo vì vậy quy định đề nghị tuyển LĐ VN vào các công việc dự kiến tuyển LĐ NN chưa thực sự hiệu quả và tỷ lệ tuyển được người LĐ VN là rất thấp.

Bộ LĐ-TB và XH cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung việc đơn giản hóa thủ tục đối với người LĐ NN đã được cấp giấy phép lao động để tạo thuận lợi cho một số trường hợp LĐ NN đã được cấp giấy phép lao động và giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo về thủ tục và hồ sơ đối với  NNN. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định miến giấy phép LĐ đối với LĐNN làm việc nhà thầu liên tục không quá 30 ngày trong 01 năm…

Cũng tại Hội thảo, các DN được giải đáp vướng mắc liên quan đến Giấy phép lao động; kê khai, nộp và quyết toán thuế của Người lao động nước ngoài khi nhập cảnh, làm việc và rời khỏi Việt Nam.

Đọc thêm